Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủChuẩn bị sinh nởThay đổi cơ thể trong tháng cuối thai kỳRạn da khi mang thai: mẹ bầu cần làm gì để phòng...

Rạn da khi mang thai: mẹ bầu cần làm gì để phòng ngừa?

Làn da của phụ nữ mang thai sẽ có những sự thay đổi rất nhiều và thường bị kéo căng trong suốt thai kỳ, làm xuất hiện các vết nứt quanh vùng bụng, hông và đùi. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu và phòng tránh thì mẹ bầu hoàn toàn có thể ngăn chặn hoặc giúp làm giảm tình trạng rạn da khi mang thai ngay từ những ngày đầu.

1. Tình trạng rạn da khi mang thai

Rạn da là tình trạng da liễu khá phổ biến, xảy ra trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ. Các vết rạn da khi mang thai thường xuất hiện khi trọng lượng cơ thể người mẹ tăng nhanh hơn so với mức độ co giãn của da bụng. Đa số các mẹ bầu thường bị rạn da tại vị trí ngực và bụng, tiếp đó là cánh tay, mông hoặc bắp đùi. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà vết rạn sẽ có màu tím hoặc đỏ, trắng rồi dần dần chuyển thành màu xám, đen sau khi sinh.

Rạn da là hệ quả của việc da bị kéo căng và ảnh hưởng do nồng độ cortisol tăng cao đột ngột. Cortisol là hormone được tuyến thượng thận sản xuất có chức năng tăng đường huyết, tăng huyết áp và chống dị ứng. Tuy nhiên, hormone này tăng cao đột ngột (thường do căng thẳng) có thể ức chế quá trình hình thành elastin và collagen trong hạ bì khiến da thiếu độ đàn hồi và dễ hình thành vết rạn khi bị kéo căng.

Đa số các thai phụ đều không thể nhận biết thời điểm xuất hiện những vết rạn trên da. Có những trường hợp vết rạn xuất hiện rất sớm hoặc trong hai tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, nhưng có mẹ đến tận tháng thứ 8 hoặc thứ 9  của thai kỳ cuối mới xuất hiện các vết rạn, thậm chí có trường hợp các mẹ bầu trong suốt thai kỳ không bị rạn da nhưng sau sinh thì lại xuất hiện tình trạng này. Mặc dù không gây đau, ngứa hay khó chịu nhưng rạn da ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, khiến mẹ bầu trở nên thiếu tự tin và e ngại.

2. Thai phụ nào dễ bị rạn da khi mang thai?

Thời điểm xuất hiện rạn da khi mang thai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cơ địa, di truyền và mức độ tăng cân. Mặc dù là hiện tượng phổ biến, song không phải bất kỳ mẹ bầu nào cũng có nguy cơ bị rạn da khi mang thai. Điều này cũng lý giải vì sao rạn da có người bị, có người lại không.

Thai phụ có tiền sử bị rạn da khi dậy thì thì lúc mang thai nguy cơ rạn da sẽ cao hơn
  • Yếu tố di truyền: Nếu mẹ bạn hoặc chị gái/em gái bị rạn da khi mang bầu thì nguy cơ bạn gặp phải tình trạng này tương đối cao
  • Tuổi tác: Mẹ mang thai khi đã quá nhiều tuổi hoặc quá ít tuổi (trên 35 tuổi và dưới 20 tuổi) thì nguy cơ rạn da cao vì các vùng da đa bị lão hóa dần hoặc chưa hoàn thiện khi còn quá trẻ.
  • Tiền sử: Nếu ở tuổi dậy thì, mẹ bầu bị rạn da thì nguy cơ khi mang thai mẹ cũng bị rạn da là tương đối lớn.
  • Thiếu dưỡng chất: Nếu trong quá trình mang thai, mẹ không chăm sóc da thường xuyên sẽ khiến da yếu dần, nhanh lão hóa, ít tính đàn hồi rất dễ dẫn đến rạn da.
  • Lười vận động: Nếu mẹ bầu không thường xuyên tập luyện thể thao, ít vận động thì tỷ lệ bị rạn da cũng sẽ cao hơn các thai phụ khác.

3. Nguyên nhân dẫn đến rạn da khi mang thai ở mẹ bầu

Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị rạn da khi mang thai. Trong đó, có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Mẹ bầu hãy tham khảo để biết được vì sao bà bầu lại dễ bị rạn da như vậy.

3.1. Thay đổi hormone trong cơ thể
Nội tiết tố bên trong cơ thể mẹ bầu thay đổi gây rạn da

Khi mang bầu, nội tiết tố bên trong cơ thể mẹ thay đổi, nhất là từ tháng thứ 3 của thai kỳ trở đi, sự thay đổi này ngày càng rõ rệt. Lúc này, thai nhi và nhau thai sẽ tiết ra progesterone và hoocmon estrogen. Chúng kích thích các phân tử tiền hắc tố melatin khiến tăng sắc tố da.

Đây cũng là nguyên nhân khiến các vết rạn da khi mang thai bắt đầu xuất hiện và có màu sắc sẫm hơn so với vùng da xung quanh. Một số mẹ bầu còn xuất hiện các vết thâm nám xấu xí gây mất thẩm mỹ.

3.2. Do cơ địa

Không chỉ riêng tình trạng rạn da khi mang thai mà rất nhiều bệnh lý khác cũng liên quan đến cơ địa của mỗi người. Với những mẹ bầu có cấu trúc da bền vững, độ đàn hồi cao thì sẽ ít bị rạn hơn so với những người có cấu trúc da yếu, dễ bị thay đổi khi bị tác động.

3.3. Tăng cân quá nhanh

Khi mang thai đa số các mẹ bầu đều tăng cân. Tuy nhiên, với một số mẹ bầu tăng cân quá nhanh sẽ khiến da bị kéo dãn và mất dần đi sự đàn hồi. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến mẹ bầu gặp phải tình trạng rạn da khi mang thai.

4. Cách ngăn ngừa vết rạn da khi mang thai

Nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng rạn da trong thai kỳ thì vẫn có nhiều cách giúp bạn hạn chế sự xuất hiện của các vết rạn. Đồng thời, những cách sau cũng sẽ giúp việc làm mờ vết rạn da sau sinh dễ dàng và hiệu quả hơn.

4.1. Chế độ ăn uống khoa học

Cân đối chế độ dinh dưỡng khi mang thai sẽ đảm bảo cho cả bạn và thai nhi đều được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết trong thai kỳ. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp dùng thêm các thực phẩm tăng cường sức khỏe cho làn da cũng như những món ăn có thể cải thiện tính đàn hồi, từ đó ngăn chặn các vết rạn xuất hiện.

Mẹ bầu cần có chế độ ăn lành mạnh và khoa học để không tăng cân quá nhiều và tốt cho da
  • Thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa để giúp bảo vệ và nuôi dưỡng làn da của mẹ bầu, ví dụ như dâu tây, việt quất và cải bó xôi
  • Thực phẩm giàu vitamin E để bảo vệ các màng tế bào da. Bạn có thể tìm thấy vitamin E trong cải rổ, bông cải, bơ, các loại hạt và các loại quả hạch;
  • Thực phẩm giàu vitamin A như ớt chuông đỏ, khoai lang, cà rốt, bí và xoài. Loại vitamin này có tác dụng hồi phục các mô da bị tổn thương do rạn. 
  • Việc bổ sung lượng vitamin D cho cơ thể cũng có thể giảm nguy cơ bị rạn da. Cách dễ nhất để bạn hấp thu vitamin D là thông qua ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, các thực phẩm như ngũ cốc, lòng đỏ trứng, gan bò hay các sản phẩm từ sữa cũng rất giàu vitamin D.
  • Các món ăn giàu omega-3 và omega-6 sẽ giúp mẹ bầu có làn da mịn màng và giữ tế bào da khỏe mạnh. Bạn có thể tìm thấy những chất này trong cá hồi, dầu cá hoặc quả óc chó.
4.2. Uống nhiều nước 

Nước giúp giải độc cơ thể và giữ các tế bào da mềm, ẩm, từ đó giúp da khỏe đẹp và làm các vết rạn da khi mang thai nhanh chóng biến mất sau thời gian sinh nở.

4.3. Vận động thường xuyên trong thai kỳ

Tập thể dục giúp giữ độ đàn hồi của da thông qua việc cải thiện tuần hoàn máu. Ngoài ra, tập luyện khi mang thai còn giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, từ đó hạn chế các vết rạn da xuất hiện

Mẹ bầu nên thử các bài tập nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều sức như yoga hoặc đi bộ nhẹ nhàng để giảm bớt các triệu chứng khó chịu trong thai kỳ như đau lưng, mỏi lưng và chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ.

4.4. Tăng cân hợp lý

Khi bạn tăng cân quá nhanh, các vết rạn da sẽ xuất hiện nhanh và nhiều hơn. Đó là lý do vì sao bạn cần chú ý đến cân nặng khi mang thai thường xuyên hơn. Mẹ bầu cần ăn uống hợp lý, tránh ăn quá nhiều, mất kiểm soát cân nặng.

4.5. Sử dụng tinh dầu thiên nhiên để dưỡng da
Mẹ bầu có thể dùng các loại tinh dầu thiên nhiên  để ngăn ngừa rạn da

Các loại tinh dầu thiên nhiên có tác dụng dưỡng ẩm và giữ nước cho da như dầu dừa, dầu hạnh nhân, tinh dầu lanolin,…Ngoài ra, bạn có thể tìm đến các sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ uy tín để lựa chọn được sản phẩm chăm sóc da phù hợp với cơ thể và an toàn cho sức khỏe của hai mẹ con

4.6. Dùng kem chống nắng

Ở vùng khí hậu nhiệt đới như nước ta, ánh mặt trời thường gay gắt và khó chịu. Thêm vào đó, ánh nắng còn gây ra tình trạng sạm, nám và rạn da. Để bảo vệ làn da một cách tốt nhất, mẹ bầu nên dùng kem chống nắng trước khi ra đường. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý lựa chọn sản phẩm an toàn mà mẹ bầu có thể dùng trong thai kỳ.

Những vết rạn da cũng chính là những dấu vết thiêng liêng của thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, rạn da cũng khiến mẹ bầu tự ti về làn da của mình, với những thông tin hữu ích trên đây, hi vọng mẹ bầu có thể hiểu thêm về tình trạng rạn da khi mang thai và áp dụng được những biện pháp phòng ngừa rạn da để bảo vệ làn da và ngăn chặn tình trạng rạn da này nhé!

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments