Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024

Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai

Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai khá phổ biến với tỉ lệ từ 20-50% tùy mức độ bệnh nhẹ hay nặng. Đây là một bệnh rất ngại để nói ra nhưng nó lại âm thầm, dai dẳng mang đến những khó chịu, bực bội khó nói nên lời, đôi khi là ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài ở phụ nữ mang thai.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ (còn được là lòi dom) là tình trạng căng giãn tĩnh mạch nằm xung quanh hậu môn. Bệnh trĩ là một tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ, cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người mắc phải.

Búi trĩ có thể ở bên trong còn gọi là trĩ nội, thường không gây đau nhưng đôi khi có thể gây chảy máu nhẹ lúc đi vệ sinh nếu bị trĩ nội cấp độ 1,nếu bị cấp độ 2,3,4 thì sẽ có hiện tượng hậu môn bị sưng đỏ, chảy máu nhiều, đau rát khi đi vệ sinh, bên cạnh đó xuất hiện dịch tiết ra nhiều gây ngứa ngáy hậu môn.

Bệnh trĩ cũng có thể bị sa ra ngoài hay là trĩ ngoại nếu các tĩnh mạch sưng lên và sa ra phía ngoài hậu môn, do đó ta có thể nhìn thấy búi trĩ này. Bệnh trĩ ngoại gây nên những vấn đề như chảy máu, đau khi đi vệ sinh và ngứa ngáy. Nếu thấy máu trên giấy vệ sinh hoặc trên phân, táo bón thì có thể bạn đã bị trĩ, tuy nhiên để chắc chắn bạn hãy nói chuyện với bác sĩ vì bó có thể là bệnh trĩ nhưng cũng có thể báo hiệu một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác.

Bệnh trĩ được chia thành 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại

Nguyên nhân nào gây ra bệnh trĩ khi mang thai?

Mặc dù bệnh trĩ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhưng hầu hết phụ nữ mang thai đều mắc bệnh này trong tam cá nguyệt thứ ba, bắt đầu từ khoảng tuần 28 của thai kỳ.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai:

  • Theo thời gian em bé càng ngày càng lớn hơn, đồng thời xương chậu, tử cung của mẹ cũng mở rộng. Lúc này, lượng máu đến vùng xương chậu tăng lên, đặc biệt là tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng, khiến các tĩnh mạch này sưng lên và gây đau.
  • Rặn khi đi vệ sinh vì táo bón có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng trực tràng, khiến chúng bị viêm và phình ra.
  • Lượng hormone progesterone cao hơn trong thai kỳ cũng là nguyên nhân gây nên bệnh trĩ, chúng làm giãn thành mạch làm cho các tĩnh mạch phồng lên một cách dễ dàng hơn.
  • Nếu những phụ nữ mang thai trước đây từng bị trĩ, thì có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn trong khi mang thai. Bệnh trĩ cũng có thể phát triển sau sinh do rặn đẻ trong quá trình chuyển dạ.
  • Ngồi lâu trong thời gian dài cũng khiến nguy cơ bị trĩ tăng lên.
Táo bón là nguyên nhân lớn gây nên bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai

Làm thế nào để có thể ngăn ngừa bệnh trĩ khi mang thai?

Bệnh trĩ mang tới nhiều khó chịu, đau đớn, phiền phức cho phụ nữ mang thai. Do đó, cách tốt nhất là tìm cách tránh bị trĩ trong thai kỳ: Nói chuyện với những bà mẹ đã từng mang thai hoặc đang mang thai để cùng chia sẻ kinh nghiệm hoặc hỏi bác sĩ về các biện pháp tự nhiên phòng bị trĩ.

Các bước sau có thể giúp bạn tránh bị trĩ khi mang thai:

  1. Tránh táo bón

Việc đầu tiên có thể làm để tránh bị trĩ khi mang thai đó chính là tránh táo bón:

  • Ăn một chế độ có nhiều chất xơ như rau xanh như rau cải, rau muống,… trái cây như quả bơ, đậu…và các loại hạt như macca, óc chó…
  • Không trì hoãn việc đi vệ sinh khi cảm thấy muốn đi tiêu. Ngoài ra, phụ nữ cũng mang thai không ngồi trên bồn cầu lâu hơn mức cần thiết vì điều này gây áp lực lên vùng trực tràng.
  • Nếu đã bị táo bón, hãy hỏi bác sĩ về thực phẩm hoặc thuốc bổ sung chất xơ, nhuận tràng.
  • Nếu uống vitamin hoặc sắt gây táo bón thì hãy nói với bác sĩ để đổi sang một loại vitamin khác dễ hấp thu hơn.
Phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ để hạn chế táo bón 
  1. Thường xuyên di chuyển
  • Mặc dù bụng càng lớn thì việc di chuyển của phụ nữ mang thai càng khó, tuy nhiên hãy duy trì việc tập thể dục thường xuyên và an toàn cho đến ngày dự sinh, tuy nhiên phải nghe theo lời khuyên từ bác sĩ.
  • Thực hiện các bài tập Kegel: làm tăng lưu thông máu ở trực tràng và tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh hậu môn.
  • Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Nếu công việc của bạn liên quan đến công việc văn phòng cần ngồi nhiều thì hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong vài phút sau mỗi giờ làm việc.
  1. Duy trì các thói quen tốt
  • Uống nhiều nước, đảm bảo đủ 3 lít nước mỗi ngày thông qua việc uống nước trực tiếp và các thực phẩm, thức ăn hằng ngày. Nếu không uống đủ nước, cơ thể của sẽ tái hấp thu nước qua ruột kết, để lại phân khô khó đẩy ra ngoài hơn.
  • Nằm nghiêng khi ngủ, đọc sách hoặc xem TV để giảm áp lực lên tĩnh mạch trực tràng.
  • Cố gắng không tăng nhiều hơn số cân được khuyến nghị của bác sĩ vì số cân càng tăng thì áp lực lên trực tràng, xương chậu càng nhiều.
Những thói quen tốt, lành mạnh cũng góp phần hạn chế bệnh trĩ khi mang thai đấy! 

Làm thế nào bạn có thể điều trị các triệu chứng khi mang thai?

Rất nhiều trường hợp bị trĩ khi mang thai, sau khi sinh con xong sẽ tự hết. Tuy nhiên, bị trĩ khi mang thai khiến các chị em phụ nữ ngứa, rát và bất tiện khi đi vệ sinh nên nếu bị trĩ  hãy thử một trong các cách khắc phục sau:

  • Liệu pháp lạnh có thể giúp giảm sưng và giảm đau tạm thời: Chườm một túi đá (có màng bọc) lên vùng bị ảnh hưởng.
  • Có thể sử dụng các rau củ dân gian để làm giảm cơn đau, sưng tấy như đắp nghệ tươi, rau diếp cá, lá trầu không.
  • Ngâm vùng dưới vào nước ấm nhiều lần trong ngày. Sau khi xông hoặc ngâm nước ấm thì hãy thấy khăn thấm nhẹ cho khô vùng da đó rồi hướng máy sấy tóc ở nhiệt độ thấp vào. Điều này giúp cơ thể cảm thấy khá dễ chịu.
  • Nếu ngồi không thoải mái, hãy lấy một chiếc gối hình bánh rán để giảm bớt áp lực cho vùng trực tràng và hậu môn.
  • Dùng baking soda ướt hoặc khô bôi tại chỗ búi trĩ để giúp giảm ngứa, khó chịu.
  • Dầu dừa cũng là một cách giúp giảm sự khó chịu do trĩ mang lại. Đây cũng là nguyên liệu tự nhiên không có hóa chất nên khá an toàn cho phụ nữ mang thai sử dụng.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ và sử dụng khăn giấy vệ sinh mềm, không mùi hoặc khăn lau không mùi sau khi đi vệ sinh để tránh kích ứng nhiều hơn ở vùng bị trĩ. Không được để vùng hậu môn bị ẩm ướt.

Ngoài ra một số phương pháp khác khi phụ nữ mang thai bị trĩ nặng cần có sự tư vấn từ bác sĩ như:

  • Sử dụng thuốc nhuận tràng giúp giảm bớt “căng thẳng” liên quan đến táo bón, do đó đi vệ sinh dễ dàng hơn, giảm việc nhức và đau rát.
  • Dùng thuốc giảm đau – paracetamol có thể giúp giải quyết cơn đau rát vô cùng khó chịu liên quan đến bệnh trĩ ở cấp độ nặng. Tuy nhiên, liều dùng và thời gian dùng thuốc cần được sự cho phép và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Kem bôi trị trĩ giúp giải quyết tình trạng ngứa ngáy, đau hoặc viêm. Thuốc chứa các thành phần hoạt tính như corticosteroid hoặc thuốc gây tê cục bộ.  Tất nhiên việc dùng thuốc cũng phải tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Bệnh trĩ có thể là một dấu hiệu của một bệnh khác nghiêm trọng hơn?

Nếu phụ nữ mang thai thấy bị chảy máu, đau rát hay ngứa ngáy vùng hậu môn thì đây có thể là biểu hiện của bệnh trĩ. Tuy nhiên các triệu chứng như chảy máu từ ruột hoặc hậu môn có thể là dấu hiệu của các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư ruột. Do đó để chắc chắn hơn khi đi khám, phụ nữ mang thai hãy nói với bác sĩ về các biểu hiện bệnh của mình, từ đó làm các kiểm tra liên quan.

Bệnh trĩ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Một số phụ nữ lo ngại rằng bệnh trĩ có thể ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc thai nhi trong bụng, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh điều này. Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng quá trình rặn đẻ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể làm trầm trọng thêm bệnh trĩ của phụ nữ.

Bệnh trĩ không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi như nhiều phụ nữ mang thai lo lắng 

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh trĩ sẽ biến mất sau khi phụ nữ sinh con xong. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh trĩ được khuyến khích trong thời gian mang thai, khi mới phát hiện ra bệnh. Nhưng quan trọng nhất đó chính là phụ nữ mang thai phải uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ và tập luyện trong khi mang bầu để ngăn ngừa táo bón. Nếu thấy bệnh trĩ của mình không thuyên giảm sau một thời gian ngắn khi sinh xong, hãy liên hệ với bác sĩ để được điều trị.

 

*Nguồn tham khảo:
  1. https://www.honorhealth.com/healthy-living/hemorrhoids-during-pregnancy
  2. https://www.pregnancybirthbaby.org.au/haemorrhoids-during-pregnancy#:~:text=During%20pregnancy%2C%20haemorrhoids%20can%20be,your%20anus%20as%20pregnancy%20progresses.
  3. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-tri-tu-a-den-z-nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-hieu-qua/
  4. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-tri-rat-de-gap-o-phu-nu-mang-thai-3-thang-cuoi/#:~:text=Tr%C4%A9%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20b%E1%BB%87nh%20l%C3%BD,kh%C3%B3%20ch%E1%BB%8Bu%20cho%20thai%20ph%E1%BB%A5.

 

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments