Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
Trang chủRắc rối khi mang thaiNhững rắc rối khácTại sao phụ nữ mang thai bị nặng mùi cơ thể?

Tại sao phụ nữ mang thai bị nặng mùi cơ thể?

Quá trình mang thai đem lại nhiều sự thay đổi mới mẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Cơ thể của mẹ bầu sẽ thay đổi với tốc độ nhanh chóng: tăng cân, rạn da hay thay đổi về cả mùi cơ thể. Hiểu lý do tại sao điều này lại xảy ra là bước đầu tiên để mẹ bầu dễ dàng chấp nhận sự thay đổi này trong thai kỳ. Điều quan trọng nhất mẹ cần biết? Đây chỉ là phản ứng tự nhiên của cơ thể mẹ bầu khi mang thai mà thôi.

1. Những mùi cơ thể mẹ bầu thường gặp phải

1.1. Hôi miệng

Tình trạng thai nghén trong 3 tháng đầu thai kỳ chính là nguyên nhân gây hôi miệng. Lúc này cơ thể tăng sản xuất hormone progesterone, làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa, khiến thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản gây ra cảm giác buồn nôn, nôn ói.

Trào ngược dạ dày làm tăng lượng axit trong khoang miệng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây những bệnh về răng miệng và khiến hơi thở có mùi hôi. Đồng thời nôn nghén làm cho hơi thở cũng có mùi khó chịu, từ đó khiến nhiều mẹ bầu mặc cảm khi tiếp xúc với người khác.

Ngoài ra việc thay đổi hormone trong cơ thể có thể gây giảm tiết nước bọt dẫn tới hiện tượng khô miệng, khiến cho lượng vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh mẽ. Điều này không chỉ gây hôi miệng mà còn có thể gây sâu răng, viêm nha chu, viêm nướu… và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ bầu lẫn thai nhi.

1.2. Hôi nách
Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi khiến bà bầu dễ có mùi cơ thể

Khi mang thai, mức độ nội tiết tố trong cơ thể bà bầu sẽ thay đổi đáng kể. Cơ thể bà bầu tạo ra một lượng lớn hormone được gọi là estradiol, khiến cho các tuyến mồ hôi cũng như tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn.

Đồng thời, khi mang thai, các mẹ bầu rất dễ bị căng thẳng và stress, điều này cũng khiến tuyến mồ hôi tiết ra nhiều axit béo hơn. Đây chính là thủ phạm chính gây nên mùi cơ thể khó chịu. Các vùng chịu ảnh hưởng chính của tình trạng này bao gồm nách và bộ phận sinh dục.

Một số loại thuốc bổ, thực phẩm đưa vào cơ thể trong thời gian mang thai cũng tác động đến việc tạo mùi hôi khó chịu cho cơ thể. Do đó, dù ít hay nhiều, dù nặng hay nhẹ, thì mẹ bầu cũng đều có mùi “bất thường”, gây ái ngại cho bản thân và cho người xung quanh.

1.3. Hôi vùng kín
Viêm nhiễm vùng kín khi mang thai khiến mẹ bầu bị nặng mùi vùng kín

Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ trải qua những thay đổi đáng kể so với bình thường, trong đó có những thay đổi về vùng kín. Sự thay đổi phổ biến, dễ nhận thấy nhất là âm đạo sẽ tiết nhiều dịch hơn do nồng độ estrogen và progesterone tăng nhanh. Điều này khiến vùng kín dễ xuất hiện mùi hôi khó chịu cũng như gia tăng nguy cơ bị viêm nhiễm vùng kín.

Tuy nhiên, nếu dịch tiết vùng kín không đi kèm các hiện tượng như ngứa rát, đau bụng… bạn cũng không nên quá lo lắng. Điều cần làm nhất lúc này là tăng cường ý thức bảo vệ vùng kín để ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa cũng như tránh các rủi ro không đáng có cho mẹ và thai nhi.

2. Các nguyên nhân gây ra mùi cơ thể khi mang thai

2.1. Thay đổi nội tiết tố

Lượng hormone estrogen tăng lên trong khi mang thai khiến khứu giác thính hơn, đồng thời cơ thể cũng trở nên nặng mùi hơn. Hormone này ảnh hưởng nhiều tới bộ phận sinh dục và nách khiến cơ thể nặng mùi khi mang thai.

2.2. Đổ mồ hôi quá nhiều
Đổ nhiều mồ hôi khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây mùi cơ thể ở bà bầu

Khi mang thai, nhiệt độ cơ thể tăng cao, đồng thời sự tăng cân khiến mẹ bầu đổ mồ hôi nhiều hơn, ngay cả trong những ngày lạnh. Các tuyến mồ hôi ở phụ nữ mang thai hoạt động mạnh làm mồ hôi chảy ra nhiều hơn. Dù mồ hôi không có mùi, nhưng khi đọng lại trên da, chúng sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, gây ra mùi hôi cho cơ thể.

2.3. Tăng độ nhạy cảm

Với sự gia tăng mức độ hormone, phụ nữ mang thai có thể cảm nhận mùi của bản thân ngay cả khi người xung quanh không nhận ra.

2.4. Cơ thể chuẩn bị cho con bú

Khi bạn mang thai, cơ thể chuẩn bị cho quá trình tiết sữa. Mùi sữa hăng nồng giúp bé yêu khi chào đời nhận ra mẹ. Nhờ nách có mùi, bé sẽ ngoái đầu theo hướng vú để bú một cách tự nhiên.

2.5. Mùi bất thường từ âm đạo

Âm đạo nặng mùi khi mang thai có thể do thay cân bằng pH thay đổi hoặc đổ mồ hôi, nhiễm trùng, thay đổi nội tiết tố và chế độ ăn uống… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể nặng mùi khi mang thai.

2.6. Thay đổi chế độ ăn uống
Thay đổi chế độ ăn khi mang thai cũng khiến mẹ bầu dễ có mùi cơ thể

Thực phẩm bổ dưỡng là một phần không thể thiếu trong thai kỳ. Một số loại này sẽ khiến mùi cơ thể nặng hơn. Tỏi, thịt đỏ có các axit amin khiến mồ hôi, dịch âm đạo có mùi đặc trưng trong vài giờ hoặc thậm chí trong nhiều ngày.

Hải sản không chỉ ảnh hưởng đến mùi mồ hôi mà còn ảnh hưởng đến dịch âm đạo. Các loại rau như bông cải xanh, bắp cải và súp lơ có chứa lưu huỳnh được hấp thụ vào máu. Khi bạn dùng những thức ăn này (hoặc uống một số loại thuốc), mồ hôi tiết ra trên bề mặt da kết hợp với vi khuẩn sẽ khiến cơ thể nặng mùi khi mang thai.

2.7. Lý do tuyến giáp

Nguyên nhân này ít xảy ra hơn nhưng mẹ bầu bị đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể do những thay đổi của chức năng tuyến giáp trong thai kỳ. Hormone tuyến giáp giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, tiêu hóa và các chức năng khác của cơ thể. Khi mang thai, tùy vào từng giai đoạn của thai kỳ mà tuyến giáp có thể tạo ra nhiều hormone hơn bình thường. Hormone tiết ra quá nhiều có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, đặc biệt là trong khi ngủ.

2.8. Tăng cân

Mang thai mang đến nhiều thay đổi rõ rệt trên cơ thể mẹ bầu như tăng cân. Tăng cân quá nhiều có thể gây ra nhiều nếp gấp da ở nách, hai bên ngực, bụng và bẹn. Mồ hôi có thể đọng lại ở các nếp gấp trên da cùng với sự tích tụ của vi khuẩn hay nấm men. Sự kết hợp của các nếp gấp da ẩm ướt và vi khuẩn gây ra mùi cơ thể cũng như các triệu chứng khó chịu khác như nứt nẻ da, phát ban hoặc lở loét,…

3. Cách giúp mẹ bầu thoát khỏi tình trạng cơ thể nặng mùi khi mang thai

3.1. Tắm mỗi ngày và gội đầu thường xuyên
Để giảm mùi cơ thể, mẹ bầu cần tắm rửa mỗi ngày

Mẹ bầu cần tắm rửa mỗi ngày. Bạn có thể thử tắm với xà phòng diệt khuẩn để diệt vi khuẩn gây mùi hôi rồi dùng khăn sạch lau khô người. Bên cạnh đó mẹ bầu cũng cần gội đầu thường xuyên, vì khi mang thai cơ thể tiết mồ hôi nhiều khiến tóc dễ bết dính, gây mùi hôi khó chịu.

3.2. Giữ vùng kín sạch và khô

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên tắm và làm sạch âm đạo thường xuyên bằng nước ấm và cắt tỉa lông vùng kín gọn gàng để tránh gây ngứa và viêm nhiễm. Tuy nhiên mẹ nên tránh những sử dụng những sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh âm đạo vì chúng có thể gây hại đến những vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo. 

3.3. Mặc quần áo rộng rãi và thoáng khí

Trong thai kỳ, bạn nên chọn trang phục (đặc biệt là đồ lót) làm từ các loại vải như vải lanh, vải cotton thoáng khí và giặt sạch sau một lần sử dụng.

3.4. Uống đủ nước

Việc uống đủ nước giúp kiểm soát mùi tốt hơn vì nước giúp cơ thể thải chất độc hiệu quả, từ đó giảm được mùi hôi từ cơ thể

3.5. Ăn uống lành mạnh
Ăn uống khoa học và lành mạnh giúp mẹ bầu không tăng cân quá nhanh và giảm được mùi hôi cơ thể

Mẹ bầu cần tránh ăn quá nhiều hành, tỏi, thịt đỏ vì chúng khiến cơ thể nặng mùi khi mang thai. Việc bổ sung dồi dào trái cây, rau xanh có thể làm giảm mùi cơ thể và cũng có lợi cho thai nhi.

Mùi hôi cơ thể của mẹ bầu là do sự thay đổi tự nhiên của cơ thể trong thai kỳ và có thể khắc phục tại nhà. Mẹ nên sử dụng những sản phẩm lành tính, an toàn để tránh ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Trong những trường hợp nặng mẹ có thể đến bác sĩ để được thăm khám và có cách chữa trị đúng cách.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments