1. Sảy thai liên tiếp là gì?
Sảy thai là tình trạng thai nhi mất trong bụng mẹ trước 20 tuần tuổi. Sảy thai liên tiếp là tình trạng phụ nữ bị sảy thai tự nhiên từ 2 lần trở lên. Có đến 15% các trường hợp bị sảy thai tự nhiên. Trong đó, nhiều mẹ bầu còn không nhận ra mình đã có thai cho đến khi bị sảy thai vì sảy thai xảy ra trong vòng 12 tuần đầu thai kỳ.
Sảy thai liên tiếp được chia thành 2 nhóm là:
- Sảy thai nguyên phát: Người phụ nữ chưa từng sinh em bé trước đó.
- Sảy thai thứ phát: Người phụ nữ đã từng sinh con thành công và bị sảy liên tiếp ở những lần mang thai sau.
2. Nguyên nhân sảy thai liên tiếp
Có rất nhiều nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp. Cùng điểm mặt một vài nguyên nhân thường gặp dưới đây:
- Bất thường nhiễm sắc thể: Có đến 90% trường hợp sảy thai liên tiếp có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể. Bất thường nhiễm sắc thể có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai vợ chồng.
- Yếu tố miễn dịch: Người mẹ bị rối loạn tự miễn như hội chứng Antiphospholipid ảnh hưởng đến quá trình truyền máu, chất dinh dưỡng cho thai nhi khiến cho thai nhi ngừng phát triển.
- Bất thường ở tử cung: Tử cung bị dị dạng, tử cung một sừng, tử cung có vách ngăn hay dính tử cung, hở eo cổ tử cung, bệnh lý u xơ tử cung… khiến phôi thai không thể làm tổ và phát triển bình thường được.
- Bất thường về nội tiết: Thai phụ bị suy hoàng thể không sản xuất đủ Progesterone để nuôi dưỡng thai phát triển, khiến thai suy, thai lưu. Những người bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng khó có thai và khi có thai lại dễ bị sảy.
- Bà bầu bị bệnh lý nội khoa: Những thai phụ có bệnh lý nội khoa như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, tim mạch… gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng khi mang thai: Các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, nhiễm khuẩn do Listeria, Salmonella, Ureaplasma, virus rubella… cũng là nguyên nhân gây sảy thai liên tục.
- Tinh trùng bất thường: Tinh trùng bị dị tật có thể thụ thai được nhưng lại khiến thai nhi không thể phát triển hoặc thai bị dị tật phải hút bỏ.
- Yếu tố môi trường: Khi mang thai, mẹ bầu thường xuyên căng thẳng, hút thuốc, uống rượu bia cũng dễ bị sảy thai. Ngoài ra, nếu sinh sống ở môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với nhiều hóa chất như thạch tín, thuốc diệt côn trùng… cũng làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
- Không thấy rõ nguyên nhân: Có đến 75% các trường hợp sảy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng vì khả năng có thai bình thường ở những lần sau là 50 – 60% nếu mẹ đảm bảo sức khỏe và không mang thai khi quá lớn tuổi.
3. Đối tượng có nguy cơ cao bị sảy thai liên tiếp
Sảy thai liên tiếp có thể gặp ở nhiều thai phụ. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu là một trong những đối tượng dưới đây thì nguy cơ bị sảy thai liên tiếp sẽ cao hơn.
- Có tiền sử bị sảy thai: Nếu trước đó mẹ đã từng bị sảy thai thì nguy cơ bị sảy thai liên tiếp sẽ cao hơn nhiều so với những người phụ nữ chưa từng bị sảy thai trước đó.
- Tuổi tác: Khi mang thai, nếu thai phụ đã trên 35 tuổi thì khả năng bị sảy thai liên tiếp sẽ cao hơn. Mặc dù trước đó thai phụ có thể đã sinh được con thành công, nhưng mang thai sau 35 tuổi, sảy thai thứ phát có thể xảy ra.
- Lối sống không khoa học: Nếu mẹ bầu sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích nhiều trong khi mang thai thì nguy cơ sảy thai là rất lớn và có thể dẫn đến sảy thai liên tiếp.
- Ăn uống không đủ chất: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu không được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng có thể gây sảy thai liên tiếp do thai nhi không được cung cấp đủ chất để phát triển bình thường. Trong đó, thiếu hụt vitamin D và vitamin B sẽ làm tăng nguy cơ bị sảy thai hơn cả.
4. Điều nên làm để phòng tránh sảy thai liên tiếp
- Khám kiểm tra tổng quát trước khi mang thai để chữa trị những bệnh gây ảnh hưởng đến thai kỳ, cũng như thường xuyên thăm khám thai để phòng tránh các biến chứng thai kỳ.
- Thai phụ vẫn có cơ hội mang thai an toàn và sinh em bé khỏe mạnh nếu mới sảy thai lần đầu, nhưng nếu lại sảy thai lần nữa thì hãy nghĩ đến việc xét nghiệm nhiễm sắc thể.
- Kiểm tra tử cung và cổ tử cung, nếu bị vách ngăn tử cung có thể chữa trị bằng phẫu thuật. Còn nếu cổ tử cung yếu có thể được gia cố bằng cách khâu cố định tạm thời.
- Trước khi có thai cần phải khám sức khỏe tổng quát để biết rõ tình trạng cơ thể và chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho thời kỳ mang thai. Đồng thời tiêm phòng vắc xin quai bị, sởi, rubella… trước khi mang thai 3 tháng.
- Tránh lao động nặng, tranh thủ tối đa thời gian nghỉ ngơi nhưng vẫn phải vận động nhẹ nhàng để cơ thể được thoải mái.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất đầy đủ qua thức ăn hàng ngày, cần nhất là sắt, canxi, vitamin D… và giữ tâm lý thoải mái, tránh lo lắng.
- Tốt nhất nên có con ở độ tuổi từ 22 – 29 tuổi. Lúc này cơ thể đã phát triển toàn diện, chất lượng trứng cũng ở thời kỳ tốt nhất, hạn chế được tình trạng sảy thai sớm. Nếu có thai ở độ tuổi 35 trở lên, thai phụ nên thường xuyên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng việc khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
- Không mang vác những đồ nặng.
- Khi có những dấu hiệu bất thường như đau bụng, chảy máu âm đạo, chuột rút, áp lực vùng chậu,… thì bạn hãy lập tức gặp bác sĩ để kịp thời can thiệp.
- Sau mỗi lần sảy thai, nên dành thời gian nghỉ ngơi ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại.
Những tác động tiêu cực về tâm lý là điều không thể tránh khỏi sau khi bị sảy thai, đặc biệt là khi bị sảy thai liên tục. Nếu không được ổn định và thoải mái về mặt tinh thần, nghỉ ngơi về thể chất sau sảy thai thì cơ hội giữ thai thành công của các chị em phụ nữ sẽ càng ít. Để tránh rơi vào tình trạng không mong muốn trên, ngoài thay đổi thói quen sinh hoạt khi biết mình mang thai, các bác sĩ khuyến cáo bạn không nên bỏ qua việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và theo dõi thai kỳ thường xuyên.