Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
Trang chủRắc rối khi mang thaiSảy thaiDấu hiệu nhận biết sảy thai

Dấu hiệu nhận biết sảy thai

Sảy thai là rủi ro lớn nhất đối với thai phụ trong quá trình mang thai. Sảy thai là điều không ai mong muốn, tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra với mọi thai phụ. Vì thế, mẹ bầu cần hết sức lưu ý với mọi thay đổi trên cơ thể vì đó có thể là dấu hiệu sảy thai. Nếu nhận biết sớm và có biện pháp xử lý kịp thời, thai phụ vẫn có thể giữ được thai nhi, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

1. Sảy thai là gì?

Sảy thai là hiện tượng mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Bất cứ mẹ bầu nào cũng có thể sảy thai, tuy nhiên nguy cơ sảy thai lại tăng cao ở những đối tượng:

  • Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi. Phụ nữ mang thai khi 45 tuổi có tỉ lệ sảy thai lên tới 50%, trong đó tỉ lệ này ở phụ nữ từ 35 đến 45 tuổi là 20-30%
  • Phụ nữ có tiền sử sảy thai trước đó cũng đứng trước nguy cơ sảy thai cao
  • Sản phụ thừa cân hay nhẹ cân đều có nguy cơ sảy thai
  • Mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính
  • Mẹ bầu xuất hiện các bất thường trong tử cung như mô sẹo
  • Hút thuốc, sử dụng thuốc và rượu tăng nguy cơ sảy thai.

Nhiều phụ nữ sau khi sảy thai lại nóng lòng muốn có thai trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 3 tháng là thời gian vừa đủ để cơ thể người phụ nữ phục hồi về nội tiết, tử cung, cơ quan sinh sản và tâm lý. Vì vậy, 3 tháng sau khi sảy thai, phụ nữ mới nên mang thai trở lại.

2. Các hình thức của sảy thai

Có các hình thức sảy thai khác nhau

Tuy cùng được định nghĩa là sảy thai nhưng chúng được chia thành những hình thức sảy thai khác nhau. Trong đó, gồm:

  • Sảy thai hoàn toàn: Là tình trạng thai bị sảy và thai sẽ được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ bầu trong một lần duy nhất.
  • Sảy thai không hoàn toàn: Phôi thai chết nhưng không được đẩy ra hết trong một lần mà sẽ đẩy ra dần dần.
  • Sảy thai liên tiếp: là trường hợp bị sảy thai 2 lần liên tiếp trở lên
  • Sảy thai ngoài tử cung: Trường hợp này do mang thai ngoài tử cung, trứng sẽ không làm tổ ở tử cung mà ở vị trí khác, thường gặp hơn cả là ở ống dẫn trứng. Trường hợp này dù không tự sảy thai thì cũng cần có biện pháp can thiệp sớm vì nó có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
  • Dọa sảy thai: Là tình trạng xuất huyết âm đạo, chuột rút kèm xuất huyết, là tín hiệu cảnh báo nguy cơ sảy thai. Thậm chí có nhiều trường hợp sảy thai xảy ra quá sớm, phụ nữ không nhận ra mình bị sảy thai mà chỉ nghĩ rằng đó là một chu kỳ kinh nguyệt đến muộn.

3. Dấu hiệu sảy thai

Tùy vào thời điểm bị sảy thai mà thai phụ sẽ gặp những dấu hiệu khác nhau:

3.1. Từ tuần 1 – 6

Lúc này, nhiều mẹ bầu vẫn chưa biết mình đang mang thai, nhất là những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc không đều. Sảy thai khiến mẹ bầu cảm thấy đau dữ dội vùng bụng dưới, cảm giác nặng nề và mệt mỏi. Tuy nhiên, với những ai bị đau bụng khi hành kinh thì cũng rất khó phát hiện. Bạn không thể phân biệt được đây là sảy thai hay một chu kỳ kinh nguyệt bị trễ. 

3.2. Từ tuần 6 – 12

Từ tuần 6 đến tuần 12, cơ thể thai nhi phát triển tương đối đầy đủ tất cả các bộ phận như mắt, mũi, miệng, chân, tay,… và bắt đầu có những phản xạ nhẹ nhàng như đạp và duỗi chân, tuy nhiên lúc này người mẹ chưa thể cảm nhận rõ ràng được. 

Phụ nữ mang thai từ tuần thứ 6 – 12 bị sảy thai có thể xảy ra tình trạng đau bụng dưới, chảy máu âm đạo và bị chuột rút

Nếu thai phụ xuất hiện hiện tượng đau bụng dưới, chảy máu âm đạo và bị chuột rút thì có khả năng cao người mẹ đã bị sảy thai tự nhiên. Thông thường, chảy máu âm đạo và chuột rút là tình trạng phổ biến thường gặp ở cả 3 tháng đầu tiên của thai kỳ nhưng nếu lượng máu không ngừng tăng lên hơn cả mức khi bạn đến chu kỳ kinh nguyệt thì tức là hormone trong cơ thể đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, thai phụ cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa nhanh nhất có thể. 

3.3. Từ tuần 12 – 20

Thai nhi tuần 12 trở đi đã dần đạt đến bước hoàn thiện cuối cùng của cơ thể và người mẹ đã có thể cảm nhận được rõ hơn những cú đạp chân từ bé. Các giác quan của thai nhi cũng phát triển hơn, giúp bé nghe được giọng nói từ bố mẹ và trọng lượng của bé lúc này khoảng 241 gram.

Dù đã trải qua 3 tháng đầu thai kỳ nhạy cảm, nguy cơ sảy thai thấp hơn, các biểu hiện ốm nghén cũng đã giảm, tuy nhiên nếu thai phụ gặp phải các dấu hiệu sau thì không nên chủ quan và cũng cần đến các cơ sở y tế uy tín nhất để được kiểm tra:

  • Đau bụng dữ dội kèm khó thở.
  • Dịch âm đạo bất thường.
  • Chuột rút.
  • Chảy máu âm đạo.

4. Chẩn đoán và điều trị sảy thai như thế nào?

Bác sĩ kiểm tra vùng xương chậu và siêu âm thai để xác định liệu thai phụ có bị sảy thai hay không

Bác sĩ sẽ xác định bạn có bị sảy thai hay không bằng cách thực hiện kiểm tra vùng chậu và siêu âm thai. Nếu kết quả chắc chắn là sảy thai và tử cung không bị nhiễm trùng, bạn sẽ không cần điều trị. Nhưng nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc một số tình trạng khác, các phương pháp điều trị sau có thể được áp dụng:

  • Nong và nạo tử cung (D&C): Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung và nhẹ nhàng loại bỏ các mô hoặc bào thai còn sót lại trong tử cung
  • Sử dụng thuốc: Thuốc có thể được dùng thay cho thủ thuật D&C, chẳng hạn như misoprostol để giúp cho tử cung tự lành.

5. Cách phòng ngừa sảy thai

Sảy thai là điều không mong muốn xảy ra nhất trong thai kỳ, nó ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của mẹ bầu. Ai cũng có nguy cơ bị sảy thai. Vì vậy, mẹ bầu hãy lưu ý các biện pháp dưới đây để phòng ngừa sảy thai:

  • Nên đi khám tiền hôn nhân để nắm bắt tình hình sức khỏe cũng như các nguy cơ có thể gặp khi mang thai.
  • Kiểm soát cân nặng trước khi mang thai ở mức khỏe mạnh, bởi béo phì làm tăng nguy cơ sảy thai. Một người được coi là béo phì khi có chỉ số khối cơ thể BMI >30.
  • Tránh xa rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, chất độc hại
  • Trong suốt thai kỳ, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Tốt nhất, nên quan tâm đến chế độ ăn uống khoa học khi có ý định mang thai
  • Khi có thai, hạn chế vận động mạnh, làm việc quá sức hay căng thẳng, stress kéo dài
  • Tập thể dục là rất tốt nhưng hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ mang thai vì có nhiều động tác mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi
  • Khi mang thai, nếu phải dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ để đảm bảo thuốc đó có an toàn cho thai nhi.

Để ngăn ngừa sảy thai và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh nhất, thai phụ cần lưu ý những điều trên và nên chủ động đi khám thai định kỳ. Mẹ cần kiểm tra, theo dõi sức khỏe của bản thân và thai nhi ngay từ đầu thai kỳ, hỏi thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu dọa sảy. 

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments