1. Dấu hiệu rối loạn tiểu tiện khi mang thai
Tình trạng rối loạn tiểu tiện có thể gây ra khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ bầu, đặc biệt tiểu đêm nhiều lần làm cho mẹ bầu bị thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn tới cơ thể mệt mỏi. Các biểu hiện rối loạn tiểu tiện khi mang thai thường gặp bao gồm:
- Đi tiểu nhiều lần: Khi mang thai, số lần đi tiểu của bà bầu sẽ tăng lên. Đặc biệt khi là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ tình trạng đi tiểu nhiều lần tăng lên rõ rệt.
- Tiểu đêm: Tình trạng này khá phổ biến khi mang thai, hầu hết bà bầu đều gặp phải. Phụ nữ mang thai bài tiết ra một lượng lớn natri và nước vào ban đêm nhiều hơn so với phụ nữ không mang thai. Vì thế, xuất hiện tình trạng tiểu đêm ở bà bầu
- Tiểu són: Phụ nữ mang thai có thể thấy tình trạng són tiểu khi cười, hắt hơi, ho…Tình trạng này xảy ra nhiều khi tuổi thai càng lớn, gây ra nhiều phiền toái cho bà bầu.
Hầu hết nếu nguyên nhân sinh lý thì tình trạng rối loạn tiểu tiện thường xuất hiện vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, ở 3 tháng giữa thai kỳ do được xương chậu nâng đỡ, áp lực lên bàng quang giảm nên ở nhiều người nhu cầu đi tiểu khi mang thai có xu hướng giảm
2. Nguyên nhân rối loạn tiểu tiện khi mang thai
2.1. Các nguyên nhân sinh lý
- Do thay đổi yếu tố hormone
Tăng nồng độ hormone hCG dẫn tới các cơ của bàng quang và thành tử cung giãn nở, khiến lưu lượng máu đến vùng chậu gia tăng. Từ đó làm cho bàng quang bị chèn ép và gây kích thích bàng quang. Khi nhận kích thích thì bàng quang sẽ phát ra tín hiệu truyền lên não, não nhận tín hiệu và phân tích những tín hiệu này như mong muốn đi tiểu dù trong bàng quang không nhiều nước tiểu. Dẫn đến bà bầu thường xuyên đi tiểu. Dấu hiệu này cũng được coi là một biểu hiện sớm khi mang thai những tuần đầu.
- Tăng áp lực lên bàng quang
Ở những tháng đầu thai kỳ, rối loạn tiểu tiện chủ yếu do thay đổi hormone. Còn những tháng cuối thai kỳ là do thai nhi bắt đầu xoay đầu để chuẩn bị sinh, tạo áp lực lên bàng quang, gây kích thích bàng quang làm tần suất đi tiểu tăng lên. Không những thế tình trạng kích thích vào bàng quang có thể làm sản phụ bị són tiểu.
- Do cơ chế thải lượng nước dư thừa
Ở toàn bộ thai kỳ, thể tích dịch trong máu tăng lên nhiều, lượng nước dự trữ trong cơ thể cần được loại bỏ khi không cần thiết nên làm cho sản phụ đi tiểu nhiều, nhất là vào các tháng cuối thai kỳ và một thời gian đầu sau khi sinh.
2.2 Nguyên nhân bệnh lý
Ngoài các nguyên nhân sinh lý thì sản phụ rất dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ. Nhiễm trùng tiết niệu là nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiểu tiện khi mang thai cần phải được điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nhiễm trùng tiết niệu có thể gây ra rối loạn tiểu tiện ở bà bầu gồm: viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm thận bể thận…
Khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng sản phụ thấy các dấu hiệu như:
- Tiểu buốt, tiểu rắt, nóng rát khi đi tiểu
- Có thể sốt, rét run
- Nước tiểu đục, có khi lẫn máu
3. Cách phòng ngừa rối loạn tiểu tiện khi mang thai
- Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ để bà bầu hạn chế đi tiểu nhiều vào ban đêm, giúp mẹ bầu có giấc ngủ ngon hơn.
- Tránh các đồ uống có tính chất lợi tiểu: Nếu bạn gặp phải tình trạng đi tiểu nhiều lần nên tránh các đồ uống có tình chất lợi tiểu, nhất là vào buổi tối.
- Đi tiểu trước khi đi ngủ: Đi tiểu trước khi đi ngủ, làm cho bàng quang rỗng thì sẽ giảm được nhu cầu đi tiểu vào đêm.
- Ngồi cúi người về phía trước khi đi tiểu: Việc cúi người về phía trước khi đi tiểu nhằm tạo một lực ép lên bàng quang. Giúp bàng quang có thể đẩy sạch nước tiểu ra ngoài, từ đó kéo dài khoảng thời gian giữa các lần đi tiểu.
- Khi buồn tiểu nên đi tiểu ngay: Nếu nhịn tiểu nhiều lần có thể khiến cơ sàn chậu bị suy yếu, dẫn tới tiểu tiện không tự chủ.
- Nếu bạn bị tiểu són nhiều nên dùng băng vệ sinh khi cần thiết.
- Thực hiện bài tập Kegel: Việc tập các cơ sàn chậu giúp tăng sức mạnh cho cơ sàn chậu, làm giảm tình trạng đi tiểu không tự chủ do căng thẳng và dễ dàng phục hồi sau khi sinh
4. Cách thức thực hiện bài tập Kegel cho phụ nữ mang thai
4.1. Xác định đúng vị trí cơ sàn chậu
Dùng một ngón tay sạch đưa vào âm đạo và thít chặt các cơ. Bạn sẽ cảm thấy các cơ đều thắt chặt lại và sàn chậu đang di chuyển lên. Sau đó bạn thả lỏng và cảm thấy sàn chậu di chuyển trở lại bình thường. Như vậy bạn đã xác định được vị trí sàn chậu chính xác.
4.2. Lựa chọn vị trí tập luyện
Các bài tập Kegel cho phụ nữ mang thai và sau sinh đều có thể được thực hiện khi ngồi trên ghế hoặc nằm dưới sàn, miễn sao vùng cơ mông và cơ bụng của bạn đều được thả lỏng khi tập. Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu ở tư thế nằm để cảm nhận sự co thắt ở vùng cơ sàn chậu được rõ hơn.
- Với tư thế nằm: Bạn cần nằm ngửa thẳng lưng, hai tay để xuôi theo chân, đầu gối co lại cạnh nhau, bàn chân đặt trên sàn mũi chân chếch ra ngoài.
- Với tư thế ngồi: Ngồi thẳng lưng trên ghế, đầu gối hướng ra bên ngoài. Bạn cũng có thể ngồi xếp bằng trên sàn nhà, hoặc ngồi duỗi thẳng chân ra phía trước.
Bạn cũng có thể dùng một vật kẹp giữa đùi để cảm nhận sự co thắt và thả lỏng của vùng cơ Kegel dễ dàng hơn. Một số bài tập khác như Yoga, Bridge… cũng được chứng minh tăng cường sức khỏe nhiều nhóm cơ, trong đó có cơ sàn chậu.
4.3. Thực hiện các bài tập Kegel theo cấp độ
- Cấp độ 1: Tiến hành co cơ âm đạo rồi từ từ thả lỏng như khi bạn đang đi tiểu rồi nín lại giữa dòng. Lặp lại động tác này nhiều lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Cấp độ 2: Ở cấp độ này, bạn thực hiện lần lượt: co thắt âm đạo trong vòng 5 giây, sau đó co thắt thêm chút nữa trong vòng 5 giây, tiếp tục co thắt hết mức có thể trong vòng 5 giây và cuối cùng là thả lỏng ngược trở lại theo từng nấc thực hiện, mỗi nấc thả lỏng trong vòng 5 giây. Mặc dù bài tập này mất nhiều thời gian và yêu cầu sự kiên trì hơn bài tập cấp độ 1 nhưng chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.
- Cấp độ 3: Khi cảm thấy bài tập cấp độ 2 quá dễ dàng để thực hiện, bạn nên nâng cấp lên cấp độ 3 với mức tập luyện khó hơn như sau:
- Tiến hành co thắt âm đạo trong vòng 3 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại động tác này 10 lần.
- Co thắt và thả lỏng âm đạo càng nhanh càng tốt. Lặp lại động tác này 25 lần.
- Hãy tưởng tượng bạn đang cố hút một vật gì đó vào bên trong âm đạo và giữ nó lại trong vòng 3 giây, sau đó thả lòng. Lặp lại động tác này 10 lần.
- Sau cùng hãy tưởng tượng bạn đang cố đẩy cái gì đó từ trong âm đạo ra ngoài trong vòng 3 giây và thả lỏng. Lặp lại động tác này 10 lần.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tập luyện Kegel giúp cải thiện, kiểm soát chức năng bàng quang và ruột tốt hơn sau 6 – 12 tuần. Do đó, mẹ bầu nên kiên trì tập luyện Kegel, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện để được tư vấn và hướng dẫn cách tập hiệu quả nhất.