Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủRắc rối khi mang thaiRắc rối liên quan đến tử cungLạc nội mạc tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?

Lạc nội mạc tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý phụ khoa có nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến vấn đề sinh sản của người phụ nữ. Chính vì vậy, không ít người lo ngại về vấn đề này và luôn băn khoăn về mức độ nguy hiểm về căn bệnh này. Nếu bị lạc nội mạc tử cung có thai được không hay có ảnh hưởng gì đến kỳ không?

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô nội mạc tử cung rời ra khỏi tử cung và phát triển ở bên ngoài. Dù nằm ngoài tử cung, nhưng phần mô này vẫn hoạt động bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt, và tất nhiên, đến cuối chu kì, phần mô này cũng có hiện tượng bong ra và xuất huyết. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, phần máu đó không có lối thoát, khiến các mô xung quanh có thể bị viêm và sưng phù, sau đó các vết loét hoặc mô sẹo sẽ hình thành. 

Khi các cơ quan sinh sản bị ảnh hưởng bởi lạc nội mạc tử cung, chúng có thể bị tổn thương, bị kích thích hoặc bị cản trở cơ học, khiến việc thụ thai và mang thai trở nên khó khăn hơn.

2. Ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung đối với thai kỳ

Khi mang thai thai phụ sẽ tạm thời không còn chu kỳ kinh nguyệt, từ đó các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung cũng thường giảm nhẹ hoặc biến mất. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng với tất cả các phụ nữ mang thai, bởi với một số người, các triệu chứng có thể hoàn toàn không thuyên giảm, thậm chí đôi khi còn nặng hơn. Tất cả phụ thuộc từng cá thể, vào mức độ thay đổi nội tiết tố và vào sự phản ứng của cơ thể trước tình trạng mang thai.

Lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng của mang thai và sinh nở, bao gồm sảy thai, sinh non và nhau tiền đạo.

2.1. Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sảy thai
Lạc nội mạc tử cung có thể gây sảy thai

Một số nghiên cứu cho thấy khả năng sảy thai sẽ cao hơn ở những phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung so với những thai phụ bình thường, kể cả những người chỉ có lạc nội mạc tử cung nhẹ.

Không có một phương cách nào mà bác sĩ hay thai phụ có thể sử dụng để có thể ngăn chặn được sảy thai trong thai kỳ nhưng thai phụ cần nắm bắt được các dấu hiệu và biểu hiện của sảy thai để tìm sự trợ giúp về y tế kịp thời.

Nếu mang thai dưới 12 tuần, các dấu hiệu nghi ngờ sảy thai cũng tương tự như các dấu hiệu khi người phụ nữ có kinh:

  • Chảy máu
  • Đau bụng
  • Đau vùng lưng dưới
  • Đôi khi người phụ nữ có thể thấy có những mảnh mô được xuất ra ngoài.

Đối với thai trên 12 tuần thì các triệu chứng cũng tương tự như trên, tuy nhiên mức độ của chúng sẽ nặng hơn.

2.2. Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ sinh non
Nguy cơ sinh non ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung cao hơn người bình thường 1,5 lần

Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ sinh con trước tuần 37 của thai kỳ ở phụ nữ mang thai bị lạc nội mạc tử cung cao hơn 1,5 lần so với những thai phụ bình thường khác. Sinh con trước tuần thứ 37 của thai kỳ được định nghĩa là sinh non.

Những em bé sinh non thường có cân nặng lúc sinh thấp và dễ xuất hiện các vấn đề về sức khỏe cũng như vấn đề về sự phát triển hơn các bé sinh đủ tháng. Các dấu hiệu và biểu hiện cảnh báo chuyển dạ và sinh non bao gồm:

  • Các cơn co tử cung xuất hiện thường xuyên. 
  • Dịch tiết âm đạo thay đổi, có thể có máu lẫn trong dịch, hoặc dịch trở nên đặc như mủ.
  • Cảm thấy tăng áp lực ở khu vực tiểu khung (khu vực dưới rốn).

Nếu thai phụ thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy đi thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được xử trí kịp thời

2.3 Lạc nội mạc tử cung và nguy cơ nhau tiền đạo
Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra tình trạng nhau tiền đạo

Bánh nhau là một bộ phận gắn liền với quá trình mang thai. Chức năng chính của bánh nhau là cung cấp oxy và dưỡng chất cho bào thai phát triển. Vị trí bình thường của bánh nhau là ở đỉnh hoặc ở mặt bên của tử cung. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ mang thai, bánh nhau lại bám ở vị trí thấp, chỗ cổ tử cung, gây nên tình trạng có tên là nhau tiền đạo. Nhau tiền đạo làm tăng nguy cơ nhau bong sớm trong quá trình chuyển dạ, từ đó gây chảy máu nghiêm trọng và đe dọa tính mạng của cả thai phụ và thai nhi.

Những phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung có nguy cơ cao hơn bị nhau tiền đạo. Triệu chứng chính của nhau tiền đạo là chảy máu âm đạo (máu đỏ tươi). Nếu tình trạng chảy máu quá nặng, thai phụ có thể cần mổ cấp cứu.

3. Xử trí lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ mang thai

Liệu pháp nội tiết tố và can thiệp phẫu thuật thường không được chỉ định đối với phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung. Các loại thuốc giảm đau sẽ có tác dụng làm giảm bớt khó chịu cho mẹ bầu, nhưng bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc với liều dùng an toàn đối với thai nhi cho nên mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc giảm đau.

Mẹ bầu bị lạc nội mạc tử cung nên ăn nhiều chất xơ

Một số biện pháp tự chăm sóc khác có thể có hiệu quả bao gồm:

  • Tắm bồn nước ấm.
  • Ăn các loại thức ăn giàu chất xơ giúp làm giảm nguy cơ bị táo bón.
  • Đi bộ nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập phù hợp nhằm làm giãn cơ lưng, qua đó làm giảm triệu chứng đau lưng có liên quan tới lạc nội mạc tử cung.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng là một trong những biện pháp tự chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai có lạc nội mạc tử cung

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung hoàn toàn vẫn có thể mang thai và sinh ra những đứa con khỏe mạnh, dù lạc nội mạc tử cung sẽ khiến việc thụ thai khó khăn hơn, cũng như quá trình mang thai và sinh nở dễ gặp các biến chứng hơn. Phụ nữ lạc nội mạc tử cung mang thai được coi là đối tượng có nguy cơ cao, do đó các thai phụ này nên chú ý trong vấn đề quản lý thai nghén, nhằm có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và được can thiệp xử trí kịp thời.

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments