Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
Trang chủRắc rối khi mang thaiSinh nonKiến thức cần biết để chăm trẻ sinh non đúng cách

Kiến thức cần biết để chăm trẻ sinh non đúng cách

Hệ lụy của trẻ sinh non hay còn gọi là sinh thiếu tháng thường là nhẹ cân, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Vì vậy việc chăm sóc trẻ và dinh dưỡng cho trẻ sinh non đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết chăm sóc trẻ đúng cách.

1. Đặc điểm của trẻ sinh non 

Ba mẹ cần hiểu đúng các đặc điểm cơ bản của trẻ sinh non để từ đó có cách chăm sóc trẻ sinh non tháng phù hợp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sinh non là khi trẻ sinh trước 37 tuần tuổi thai và trẻ sơ sinh nhẹ cân khi cân nặng lúc sinh thấp hơn 2500gram.

Trẻ sinh càng non thì nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn sơ sinh cũng như nguy cơ chậm phát triển trí tuệ trong những năm đầu đời càng cao. Những trẻ sinh cực non (trước 28 tuần tuổi thai) sẽ có nhiều biến chứng hơn những trẻ sinh non khác. Ngoài ra, trẻ sinh non có thể phải đối mặt với những nguy cơ trong quá trình phát triển như:

  • Trẻ có thể gặp vấn đề về hô hấp do hội chứng suy hô hấp hoặc loạn sản phế quản phổi. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao việc hỗ trợ hô hấp và dinh dưỡng đúng cách cho trẻ sinh non rất quan trọng.
  • Trẻ có thể dễ bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, bị vàng da, số lượng hồng cầu thấp gây thiếu máu.
  • Trẻ cũng dễ bị nhiễm trùng hơn do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh.
  • Một số trẻ có bệnh lý võng mạc do võng mạc chưa được phát triển đầy đủ.
  • Trẻ có thể gặp phải vấn đề về tiêu hóa. Trẻ cần được cung cấp đủ dinh dưỡng để có thể phát triển nhưng hệ tiêu hóa của trẻ chưa trưởng thành, gây khó khăn khi trẻ bú và ăn uống. Bạn cần tham khảo sự chỉ dẫn của bác sĩ để việc chăm sóc dinh dưỡng trẻ sinh non được phù hợp và an toàn.
  • Trẻ có nguy cơ bị chậm phát triển trí tuệ, gặp khó khăn trong việc phát triển các kĩ năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động hoặc gặp các vấn đề về hành vi, tâm lý và sức khỏe sau này. Do đó, việc theo dõi sức khoẻ lâu dài trong nhiều năm đầu cho trẻ sinh non rất quan trọng.

Tuy nhiên, mỗi em bé sinh non đều khác nhau về tuổi thai, cân nặng và có những yếu tố nguy cơ khác nhau, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Hiện nay, nhờ tiến bộ của y học, những trẻ được sinh ra từ sau 28 tuần tuổi thai và nặng hơn 1kg thì cơ hội sống sót cao và vẫn có cơ hội phát triển bình thường như trẻ đủ tháng.

2. Bốn nguyên tắc vàng trong chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng

2.1. Hoàn thiện chức năng hệ hô hấp
Trẻ sinh non thường bị suy hô hấp

Trẻ sinh non thường bị suy hô hấp vì lồng ngực dễ biến dạng do các xương sườn còn mềm, các cơ gian sườn còn yếu, phổi chưa giãn nở tốt, các phế nang chưa trưởng thành, cấu tạo của trung tâm hô hấp chưa hoàn chỉnh, nhu mô phổi giãn nở không đầy đủ để trao đổi khí.

Trong thời gian này, trẻ thường thở bằng miệng, phình bụng lên khi hít vào, thở theo chu kỳ, có thể ngưng thở dưới 15 giây. Nếu thời gian ngưng thở kéo dài hơn 15 giây kèm theo tím tái, nhịp tim chậm thì cần được theo dõi và xử trí kịp thời, vì suy hô hấp là nguyên nhân dễ gây tử vong cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.

2.2. Hoàn thiện chức năng điều hòa thân nhiệt 

Trẻ sinh thiếu tháng dễ bị nhiễm lạnh vì trung tâm điều hòa thân nhiệt ở não còn yếu, kém vận động do trương lực cơ yếu, kết hợp với lớp mỡ dưới da chưa phát triển nên dễ bị mất nhiệt. 

Khi đó, bé cần phải được điều trị và hỗ trợ tích cực trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (còn gọi là NICU). Tại đây, cơ thể của bé sẽ được giữ ấm bằng cách đặt trong lồng ấp (còn gọi là incubator) hoặc dưới một hệ thống sưởi ấm đặc biệt (còn gọi là warmer). Nếu để thân nhiệt trẻ hạ xuống dưới 35°C sẽ có thể dẫn đến hàng loạt các biến chứng suy hệ hô hấp, tổn thương thần kinh và có khi gây xuất huyết ở não.  

2.3. Hoàn thiện chức năng tuần hoàn 
Trẻ sinh non có nguy cơ bị xuất huyết cao

Đối với trẻ sinh non, các mao mạch dễ bị vỡ, những yếu tố đông máu chưa hoàn chỉnh nên nguy cơ bị xuất huyết cao, vì vậy thường phải được bổ sung vitamin K để đề phòng xuất huyết.

2.4. Hoàn thiện chức năng tiêu hóa và dinh dưỡng 

Trẻ thiếu hụt enzym chuyển hóa bilirubin gián tiếp thành bilirubin trực tiếp nên thường bị vàng da nặng kéo dài, trẻ cần được theo dõi thường xuyên. Dạ dày của trẻ thời kỳ này có thể tích nhỏ và thiếu hụt các men tiêu hóa nên hấp thu không hết thức ăn, cho dù chỉ là sữa mẹ, do đó dễ bị đầy bụng và nôn ói. Vì vậy, mẹ nên cho bé bú từ 40 – 60ml sữa trong khoảng thời gian từ 2 – 4 giờ, tùy vào sức bú của bé, có thể tăng dần lượng sữa. Bé bú sữa mẹ thường bú lâu hơn và mau đói hơn bú bình.

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại nhà đúng cách

Sau một thời gian được nuôi trong lồng ấp, trẻ sinh non sẽ được xuất viện về nhà. Ba mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức cần thiết về cách chăm sóc trẻ sinh non tại nhà đúng cách:

3.1. Theo dõi trẻ (nhịp thở, thân nhiệt,…)
Ba mẹ cần theo dõi nhịp thở trẻ sinh non thường xuyên

Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên dễ bị bệnh hơn trẻ sinh đủ tháng. Do đó, ba mẹ phải luôn chủ động theo dõi các dấu hiệu ở con, như nhịp thở, màu sắc da, tri giác, thân nhiệt, …, nếu chẳng may xuất hiện các bất thường ở trẻ thì cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

3.2. Cho trẻ ăn

Khi chăm sóc bé sinh non tại nhà, mẹ cần chuẩn bị nguồn sữa mẹ tốt nhất, vì trong sữa mẹ có chứa các protein và kháng thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của trẻ, chống nhiễm trùng. Ngoài dinh dưỡng cung cấp qua đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, trẻ cần được nuôi ăn qua đường tiêu hóa bằng sữa mẹ. Khi trẻ ổn định và có thể xuất viện, lượng sữa mẹ cần cho trẻ mỗi ngày có thể lên đến 140 – 160ml/kg cân nặng/ngày.

Để tăng cân tốt, bắt kịp với tăng trưởng như trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có thể cần được bổ sung dinh dưỡng dưới dạng: chế phẩm tăng cường sữa mẹ, vitamin bổ sung hoặc sữa công thức năng lượng cao dành cho trẻ sinh non.

3.3. Cho trẻ ngủ

Một trong những lưu ý trong việc chăm sóc trẻ sinh non đúng cách là quan tâm đến thời gian ngủ của trẻ. Trẻ sẽ tăng trưởng trong lúc ngủ, do đó trẻ cần được ngủ ngon trong nhiều giờ mỗi ngày (16 – 20 giờ/ngày) sau mỗi cữ sữa. Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ quá 4 giờ/giấc, bố mẹ nên chủ động thức bé dậy để cho bé bú sữa. 

Bố mẹ cũng cần lưu ý rằng tất cả trẻ sơ sinh kể cả trẻ sinh non đều phải nằm ngửa khi ngủ, không nên nằm sấp. Cho trẻ nằm nệm không quá mềm và không nên có gối nhỏ, thú nhồi bông trong nôi. Nằm sấp và ngủ trên 1 tấm nệm quá mềm có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sinh non (SIDS). 

3.4. Tiêm phòng
Dù sinh non nhưng trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ

Mũi tiêm phòng đầu tiên cho trẻ là viêm gan siêu vi B (VGSV B) và lao (BCG). Trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh trên 2.000 gram sẽ được tiêm phòng sớm trước khi xuất viện. Trẻ có cân nặng nhỏ hơn 2.000 gram sẽ được tiêm phòng BCG lúc trẻ tăng trưởng đạt cân nặng trên 2000 gram. Trong trường hợp, nếu trẻ sinh non có cân nặng từ 1000 – 2000 gram và mẹ bị nhiễm VGSV B, trẻ có thể được tiêm ngừa vaccine VGSV B sớm sau sinh.

Ngoài ra, cần phải tiêm phòng các mũi vắc xin còn lại như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, phế cầu,… Có thể tiêm theo lịch thông thường dựa trên tháng tuổi của trẻ. Đặc biệt, có những khuyến cáo về thời điểm tiêm chủng cho trẻ sinh non, bố mẹ cần quan sát trẻ thường xuyên hơn, tuân thủ lịch tiêm ngừa theo sự tư vấn của bác sĩ về cân nặng cũng như tình trạng sức khỏe thực tế của trẻ.

3.5. Vệ sinh và massage cho bé

Một trong những lưu ý khi chăm sóc trẻ sinh non là cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tắm cho trẻ sinh non ít nhất 3 – 4 lần/tuần bằng khăn mềm với nước sạch đủ ấm, không quá nóng, khoảng 37 – 38 độ C và sữa tắm được dành cho trẻ sơ sinh. Lưu ý, vì da của trẻ sơ sinh khá mỏng manh và dễ bị tổn thương nên bạn cần phải rất cẩn thận khi làm vệ sinh cho trẻ. Trong các ngày bé không tắm, bạn có thể dùng bông cotton và nước ấm sạch vệ sinh toàn thân cho bé nhất là các vị trí kẽ da, rốn và vùng tã che. Bạn cũng nên tránh tắm bé quá nhiều lần vì sẽ làm bé bị khô da.

Khi massage cho trẻ bạn nên sử dụng loại dầu phù hợp với da của bé và được các bác sĩ khuyên dùng cho trẻ sinh non. Bố mẹ nên trực tiếp massage cho bé thay vì nhờ sự hỗ trợ từ người thân, bởi sự tiếp xúc qua da nhẹ nhàng từ bố mẹ và trò chuyện âu yếm cùng bé sẽ giúp bé phát triển thể chất và tâm lý, giúp trẻ có giấc ngủ ngon và tăng trưởng tốt hơn.

3.6. Kiểm tra thị giác của bé
Trẻ sinh non thường gặp các vấn đề về mắt, ba mẹ cần kiểm tra thị giác cho trẻ sớm

Tật lác mắt thường gặp ở trẻ sinh non. Vấn đề này thường tự biến mất khi bé lớn lên. Ngoài ra, bé sinh non cũng dễ mắc phải bệnh lý võng mạc (ROP). Bệnh này khiến các mạch máu nhỏ trong mắt phát triển bất thường, xảy ra ở các bé sinh ở tuần thứ 32 của thai kỳ hoặc sớm hơn. Nếu bé bị bệnh võng mạc, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đưa bé đi kiểm tra mắt thường xuyên hơn để có thể can thiệp điều trị sớm, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

3.7. Bổ sung vitamin

Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ. Tất cả trẻ bú mẹ cần uống vitamin D và từ 6 tháng trở đi, bé cần được bổ sung fluor để phòng sâu răng. Ngoài sữa mẹ và sữa công thức, khi chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng bạn cần bổ sung cho trẻ dinh dưỡng nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

3.8. Một số lưu ý khác

Ngoài ra, ba mẹ cần chú ý việc chăm sóc và giữ cuống rốn cho trẻ sạch sẽ, an toàn vì cuống rốn rất dễ nhiễm trùng, giữ cuống rốn càng khô và sạch sẽ giúp cuống rốn càng sớm rụng. Bố mẹ cũng cần hạn chế người thân đến thăm, tiếp xúc, hôn hoặc sờ vào người bé do trẻ sinh non dễ nhạy cảm với kích ứng và nhiễm trùng.

4. Dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám

Trẻ sinh non thường có sức khỏe yếu, vì vậy ba mẹ cần chú ý mọi hoạt động của bé, nếu bé có những dấu hiệu sau, ba mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để thăm khám kịp thời:

Trẻ sinh non khi có những triệu chứng bất thường, ba mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay
  • Bú kém, bỏ bú
  • Ngủ li bì, khó đánh thức
  • Khóc nhiều
  • Thở bất thường <30 lần/ phút hoặc >60 lần/ phút.
  • Ngưng thở
  • Tím tái, da xanh tái
  • Sốt >38 độ C hoặc hạ thân nhiệt <36,5 độ C
  • Vàng da
  • Rốn đỏ, chảy máu, chảy mủ, có quầng đỏ quanh rốn.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng thường chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị bệnh. Chính vì vậy việc theo dõi những thay đổi của bé là cực kỳ quan trọng, bố mẹ hãy nắm rõ những nguyên tắc và và các cách chăm sóc bé sinh non để con bạn có thể phát triển một cách khỏe mạnh như các trẻ bình thường khác nhé!

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments