Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024
Trang chủChuẩn bị sinh nởQuá ngày dự sinhCác biện pháp giục sinh khi thai quá ngày dự sinh

Các biện pháp giục sinh khi thai quá ngày dự sinh

Các biện pháp giục sinh được áp dụng với thai quá ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ hoặc vấn đề sức khỏe nào đó khiến mẹ bầu không thể chuyển dạ tự nhiên. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

1. Thai quá ngày dự sinh là gì?

Ngày dự kiến sinh được xem như một hướng dẫn để kiểm tra quá trình mang thai và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày, hoặc 40 tuần, được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Khi thai kỳ kéo dài từ tuần thứ 41 đến tuần thứ 42 (1 tuần sau ngày dự sinh) được gọi là thai trễ ngày. Đối với thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần lễ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng thì gọi là thai quá ngày dự sinh, hay thai già tháng. Điều này có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở thai nhi.

2. Phương pháp giục sinh là gì?

Phương pháp giục sinh là phương pháp kích thích chuyển dạ bằng thuốc hay bằng các kỹ thuật y khoa

Nếu quá trình chuyển dạ của bạn không tự bắt đầu, bác sĩ sẽ đề nghị việc dùng một số thuốc và kỹ thuật nhất định để kích thích tử cung co thắt. Phương pháp này sẽ được thực hiện khi những rủi ro của thai kỳ kéo dài cao hơn so với những rủi ro do việc giục sinh đem lại. Chẳng hạn, khi bạn mang thai quá ngày dự sinh 1-2 tuần và không có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc này, khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi đã kém dần. Hơn nữa, nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm cũng cao hơn rất nhiều.

Phương pháp này là lựa chọn cần thiết cho nhiều phụ nữ mang thai. Thế nhưng, nó cũng gây ra một số rủi ro nhất định. Đa số các chuyên gia y tế đều nói rằng quá trình chuyển dạ bắt đầu tự nhiên tốt hơn và các biện pháp giục sinh chỉ được sử dụng khi có lý do y khoa rõ ràng.

3. Khi nào cần dùng biện pháp giục sinh?

Nếu có thể chuyển dạ tự nhiên, sinh đẻ tự nhiên luôn được khuyến cáo bởi nó tốt cho sức khỏe của mẹ, sự phát triển của trẻ và phục hồi sau sinh. Song nhiều trường hợp không thể chuyển dạ tự nhiên hoặc cần đẩy nhanh thời gian chuyển dạ, các phương pháp giục sinh sẽ được áp dụng. Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ mang thai lại có 1 người phải sử dụng đến phương pháp giục sinh, có thể do nguyên nhân y khoa hoặc mong muốn của người mẹ và gia đình.

Thực tế, biện pháp giục sinh có thể gây những rủi ro nhất định cho phụ nữ cũng như trẻ sơ sinh, do đó chỉ nên thực hiện khi cần thiết, có lý do y khoa rõ ràng. Dưới đây là các trường hợp cụ thể thường phải áp dụng biện pháp giục sinh:

Chỉ nên áp dụng phương pháp giục sinh cho các trường hợp có lý do y khoa rõ ràng
3.1. Thai quá ngày sinh

Biện pháp giục sinh là cần thiết nếu thai quá ngày dự sinh từ 1 – 2 tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Nên sinh thai sớm bởi thai kể từ tuần 41 trở đi nếu tiếp tục trong bụng mẹ có nguy cơ biến chứng cao do dinh dưỡng giảm, nước ối cạn và dây rốn, nhau thai đều kém chức năng.

3.2. Vỡ nước ối nhưng chưa chuyển dạ

Tình trạng vỡ nước ối xảy ra đột ngột do chấn thương hoặc bất thường trong quá trình sinh không đi kèm với quá trình chuyển dạ thì giục sinh là cần thiết. Nếu nước ối vỡ mà sinh muộn, mẹ bầu và trẻ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao. Khi có dấu hiệu vỡ nước ối, thai phụ cần được chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt, cần thông báo với bác sĩ về tình trạng này để tránh việc kiểm tra âm đạo dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao.

3.3. Thai có nguy cơ sức khỏe

Nếu mẹ bầu mắc các bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, tiểu đường, tiền sản giật, sản giật hoặc thai nhi có dấu hiệu nguy hiểm, biện pháp giục sinh được thực hiện để trẻ được sinh ra sớm hơn. Song thai vẫn cần đủ tuần tuổi nhất định để có thể sống khi sinh ra, các phương pháp chăm sóc đặc biệt sẽ hỗ trợ trẻ sinh sớm hơn này.

Nhiều trường hợp thai phụ và gia đình chọn ngày sinh đẹp nên chủ động muốn sinh sớm hơn hoặc lo lắng khi thai qua 40 tuần tuổi một vài ngày, bác sĩ sẽ cân nhắc cẩn thận trước khi chỉ định. Các chuyên gia khuyến cáo, để tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và thai kỳ, nên giục sinh ít nhất khi thai nhi đã 41 tuần tuổi.

4. Những tình huống không nên giục sinh

Không nên áp dụng các phương pháp giục sinh nếu không quá cấp thiết

Nếu chỉ mới qua 40 tuần một vài ngày thì không cần phải sử dụng đến phương pháp này. Giục sinh không nên được sử dụng cho đến khi thai kỳ của bạn được 41 tuần hoặc hơn.

Bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp giục sinh “không cấp thiết” nếu bạn sống xa bệnh viện và bạn sợ rằng mình sẽ không đến bệnh viện kịp hoặc vì lý do cá nhân nào đó. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc thật kỹ bởi vì giục sinh vẫn có một số rủi ro nhất định. Các biện pháp giục sinh chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết.

Bạn cũng không nên muốn sinh quá sớm bởi bé sinh ra trước 39 tuần sẽ có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, phải ở bệnh viện lâu hơn và phải chăm sóc “vất vả” hơn.

5. Các biện pháp giục sinh được áp dụng hiện nay

Với các trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe của cả mẹ và thai nhi để hạn chế tối đa rủi ro khi giục sinh. Cùng với đó, phương pháp giục sinh sẽ được lựa chọn phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như mong muốn của thai phụ và gia đình.

5.1. Biện pháp lóc ối
Lóc ối là phương pháp can thiệp trực tiếp để tách màng ối khỏi thành tử cung

Đây là phương pháp can thiệp trực tiếp, bác sĩ có chuyên môn sẽ đeo găng tay, dùng ngón tay để tách màng ối ra khỏi thành tử cung. Kỹ thuật này giúp giải phóng hormone, từ đó kích thích co thắt tử cung và quá trình chuyển dạ.

Phương pháp này có thể gây khó chịu nhưng ít khi gây đau đớn nghiêm trọng cho mẹ bầu. Sau khi lóc ối, cơn co thắt sẽ nhanh chóng đến khi hormone được giải phóng và tác động vào các cơ. Khi có dấu hiệu này, cần tới bệnh viện để thực hiện quá trình sinh an toàn. Hiện nay biện pháp lóc ối không được áp dụng nhiều do nó ẩn chứa nhiều rủi ro và gây đau đớn.

5.2. Kích thích nội tiết tố

Bác sĩ sẽ tiêm vào cơ thể mẹ bầu kích thích tố Prostaglandin, chất này có tác dụng kích hoạt các cơn co thắt và giãn nở cổ tử cung. Tuy nhiên, kích thích này sẽ gây nguy hiểm ở những người từng sinh mổ, nguy cơ gây vỡ tử cung nên không được áp dụng.

5.3. Phương pháp chèn bóng
Phương pháp chèn bóng giúp tử cung mở, kích thích quá trình chuyển dạ

Để làm cổ tử cung mở và mềm hơn, kích thích quá trình chuyển dạ sinh, bác sĩ sẽ can thiệp bằng một ống thông gắn bóng nhỏ, đặt ở cuối cổ tử cung. Nước sẽ được bơm vào quả bóng để tạo áp lực cho cổ tử cung mở rộng hơn, từ đó kích thích quá trình sinh.

5.4. Sử dụng thuốc giục sinh
Thuốc giục sinh thường sử dụng nhất là Oxytocin

Thuốc giục sinh thường sử dụng nhất là Oxytocin, nó kích thích và làm xuất hiện những cơn co thắt. Mỗi người sẽ đáp ứng với liều lượng thuốc có thể khác nhau, vì thế thường bác sĩ sẽ bắt đầu với liều nhỏ, sau đó tăng dần liều lượng cho đến khi xuất hiện những cơn co thắt liên tục và đủ mạnh để thai có thể sinh ra đời khỏe mạnh.

Thời gian sinh đáp ứng sau khi tiêm thuốc giục sinh ở mỗi thai phụ có thể khác nhau, có người sớm sau một vài giờ nhưng có người muộn sinh sau 1 – 2 ngày.

Trên đây là các biện pháp giục sinh phổ biến thường áp dụng, có những trường hợp không đáp ứng tốt thì cần sinh mổ để lấy thai ra sớm.

6. Các biện pháp giục sinh có rủi ro gì với sức khỏe?

Mặc dù hiện nay với sự tiến bộ của y học, các phương pháp giục sinh khá an toàn, nếu được chăm sóc và chuẩn bị sinh tốt, thai phụ và trẻ vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro nhất định mà mẹ bầu và thai nhi phải đối mặt như:

Mẹ bầu dùng phương pháp giục sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng
  • Nguy cơ sinh mổ cao: Biện pháp giục sinh có thể không hiệu quả, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
  • Phải ở bệnh viện lâu hơn: Hầu hết các ca phải áp dụng biện pháp giục sinh cần ở lại bệnh viện chăm sóc sức khỏe lâu hơn.
  • Cần sử dụng thuốc giảm đau: Thai phụ giục sinh thường cần dùng nhiều thuốc giảm đau hỗ trợ quá trình sinh và sau sinh.
  • Nguy cơ phải gây tê ngoài màng cứng hoặc thuốc kiểm soát cơn đau: Biện pháp giục sinh thường khiến mẹ bầu có những cơn co thắt mạnh và liên tục hơn so với chuyển dạ tự nhiên. Vì thế, khả năng cao bác sĩ phải gây tê ngoài màng cứng hoặc dùng thuốc giảm đau chuyên dụng.
  • Nguy cơ nhiễm trùng: Nếu giục sinh nhưng mẹ không sinh trong vòng 1 – 2 ngày, nguy cơ vỡ túi ối cao dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm.

Ngoài ra, các biện pháp giục sinh nếu thực hiện sớm khi thai mới khoảng 37 – 39 tuần tuổi thì nguy cơ cao trẻ sinh ra sẽ gặp phải vấn đề về hô hấp, sức khỏe. Vì thế nếu không trong trường hợp được chỉ định y khoa, không nên tìm đến biện pháp giục sinh sớm.

 

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments