1. Bệnh hậu sản ở phụ nữ sau sinh
Hậu sản là giai đoạn sau sinh mà người mẹ cần có sự chăm sóc tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần để hồi phục sức khỏe đồng thời tích lũy năng lượng để nuôi và chăm con.
Nếu trong thời kỳ hậu sản mà người mẹ không được chăm sóc đầy đủ thì rất dễ mắc các bệnh hậu sản. Điển hình của các bệnh đó là:
- Lên máu hậu sản (cao huyết áp sau sinh)
- Nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn âm đạo, cổ tử cung, vết mổ, đường tiết niệu…)
- Băng huyết
- Sản giật
- Bế sản dịch
- Những cơn đau (tầng sinh môn, vết mổ, cơn gò tử cung…)
- Táo bón – trĩ
- Xuất huyết muộn
- Trầm cảm sau sinh
Những bệnh hậu sản này nếu không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm suy sụp tinh thần thậm chí nguy hiểm đến tính mạng bản thân người mẹ và em bé. Vì vậy, bên cạnh các liệu pháp hỗ trợ về tinh thần, người mẹ cần được bổ sung dinh dưỡng đúng cách để luôn khỏe mạnh, tránh bệnh hậu sản sau sinh.
2. Những loại thực phẩm mẹ bỉm tránh dùng
2.1. Cà phê
Nguyên nhân mẹ bỉm không nên uống cà phê là do hàm lượng caffeine trong cà phê sẽ tích tụ lại trong sữa mẹ. Điều này cũng tương tự với trà, soda, nước ngọt có gas, nước tăng lực và một số loại thuốc có chứa caffeine.
Không giống như người lớn, trẻ sơ sinh không thể bài tiết caffeine hiệu quả. Vì vậy, khi trẻ bú sữa mẹ, mà mẹ có dùng cà phê thì caffeine sẽ tích tụ trong cơ thể của bé gây ra sự kích thích, mất ngủ và khó chịu. Lượng caffeine cao có thể làm giảm lượng chất sắt trong sữa mẹ và làm giảm mức độ hemoglobin có trong máu ở bé. Do đó giải pháp tốt nhất là cắt giảm cà phê trong thời gian cho con bú.
2.2. Rượu bia
Những đồ uống có cồn như rượu bia có thể ảnh hưởng tới quá trình cho con bú. Do đó, chúng luôn nằm ngoài danh sách thực phẩm cho mẹ sau sinh. Việc mẹ tiêu thụ đồ uống có cồn có thể làm giảm đáng kể lượng sữa, đồng thời khiến bé thiếu tỉnh táo, mệt mỏi và tăng cân bất thường.
Rượu có thể ngấm vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của bé. Nếu bạn uống 1 hoặc 2 lần một tuần thì sẽ không gây hại đến bé. Tuy nhiên, ở mức độ cao hơn sẽ rất nguy hiểm.
2.3. Đậu phộng
Trong thời kỳ mang thai, người mẹ được khuyên ăn các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, đậu phộng…để giúp não bộ của bé phát triển tốt.
Tuy nhiên, sau khi sinh, mẹ không được khuyên cho việc này. Rất có thể em bé bị dị ứng với thành phần của hạt (đặc biệt là đậu phộng) khi bú sữa mẹ. Đậu phộng là thực phẩm rất dễ gây các phản ứng dị ứng và những phản ứng này thường có những biểu hiện nghiêm trọng như nổi mề đay, khó thở, tiêu chảy…Mẹ nên ăn thăm dò bằng một lượng rất nhỏ (1-2 hạt) và quan sát phản ứng của trẻ. Nếu bé có biểu hiện bình thường, bạn có thể ăn tăng lên từng chút một và quan sát kỹ. Nhưng tốt nhất, mẹ nên lựa chọn các món ăn nhẹ khác cho đến khi trẻ cai sữa.
2.4. Dầu mỡ
Khi mới sinh và đang cho con bú, bạn nên tránh xa những món ăn nhiều dầu mỡ. Những thực phẩm như khoai tây chiên, gà rán giòn, hành tây chiên,….thực phẩm chiên rán bằng dầu có nhiều cholesterol, không tốt cho tiêu hóa, có thể gây buồn nôn, tiêu chảy đồng thời cũng không có lợi cho quá trình hồi phục của bạn. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng của mẹ bỉm mà còn tác động không tốt lên chất lượng sữa. Mẹ hãy cố gắng ưu tiên những món luộc hay hấp và tránh những món chiên xào nhé.
2.5. Tỏi
Tỏi là gia vị ưa thích của nhiều người nhưng mùi vị hăng nồng của tỏi không dễ chịu. Mùi tỏi có thể ảnh hưởng đến mùi của sữa mẹ. Một số em bé sẽ thích còn một số thì không. Nếu bạn thấy bé khó chịu trong khi đang bú, hãy kiểm tra xem tỏi có phải là lý do hay không. Con có thể nhăn mặt hoặc khóc nếu cảm thấy mùi hăng của tỏi. Nếu bạn ăn nhiều tỏi, mùi vị của sữa mẹ có thể cũng bị ảnh hưởng khiến trẻ lười bú hơn.
2.7. Đồ ăn cay
Việc tiêu thụ đồ ăn quá cay không hề tốt cho sức khỏe, ngay cả khi bạn chưa có con và không quan tâm sau sinh nên ăn gì và kiêng gì. Việc ăn thực phẩm cay không có lợi cho đường ruột của mẹ đặc biệt là làm giảm cảm giác ngon của sữa khiến trẻ bỏ bú. Nó cũng có thể có hại cho đường ruột non nớt của trẻ. Ăn đồ cay cũng làm mẹ dễ bị táo bón và bệnh trĩ sau khi sinh.
2.8. Tránh đồ ăn lạnh
Các loại đồ ăn, đồ uống lạnh có hại cho răng và tiêu hóa của mẹ sau sinh. Mẹ rất dễ bị buốt răng về lâu dài và rối loạn tiêu hóa nếu tiêu thụ đồ lạnh ngay sau khi sinh. Nó cũng là một nguyên nhân làm cho các cơn đau của mẹ kéo dài hơn.
2.9. Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Thủy ngân xuất hiện trong sữa nếu bạn ăn cá và các thực phẩm có chứa lượng thủy ngân cao. Mức thủy ngân cao trong sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của em bé. Phụ nữ cho con bú nên tránh ăn cá kiếm, cá mập, cá thu và các loại cá biển khác vì chúng chứa nhiều thủy ngân. Vì vậy, bạn chỉ nên ăn cá (kể cả cá ngừ đóng hộp) với mức độ vừa phải và không quá 2 khẩu phần mỗi tuần.
2.10. Rau mùi tây và bạc hà
Rau mùi tây và bạc hà là 2 loại thảo mộc, nếu ăn với lượng lớn có thể làm giảm lượng sữa mẹ. Bất cứ khi nào bạn ăn các loại thảo mộc này, hãy theo dõi nguồn sữa bé đang bú để đảm bảo đủ nhu cầu của con.
Một số mẹ thường uống trà bạc hà khi muốn ngừng tiết sữa sau khi cai sữa cho con. Một loại thảo mộc khác là xô thơm cũng làm giảm lượng sữa mẹ.
3. Nguyên tắc ăn uống lành mạnh của phụ nữ sau sinh
- Ăn nhiều loại thức ăn: cố gắng ăn một chế độ ăn cân bằng có đủ trái cây, rau, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein và chất béo tốt mỗi ngày.
- Uống nhiều chất lỏng: cơ thể bạn cần rất nhiều chất lỏng (khoảng 6-10 ly mỗi ngày) đặc biệt nếu bạn đang cho con bú. Mẹ bỉm nên uống chủ yếu là nước lọc, sữa và nước trái cây. Hạn chế nước trái cây đóng hộp và chưa tiệt trùng,
- Ăn thực phẩm giàu protein: thực phẩm như sữa, phô mai, sữa chua, thịt, cá và đậu. Thực phẩm giàu protein rất quan trọng để giúp bạn phục hồi sau khi sinh con và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
- Ăn trái cây và rau quả: trái cây và rau quả có vitamin và khoáng chất giúp bạn khỏe mạnh. Chúng cũng có chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón.
- Hạn chế đồ ăn vặt: dùng bánh quy, bánh rán, khoai tây chiên và khoai tây chiên đôi khi không sao, nhưng đừng để chúng thay thế thực phẩm lành mạnh.
- Tránh các loại thực phẩm được khuyến cáo tại phần trên.