1. Tại sao phụ nữ cần tiêm phòng trước khi mang thai?
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch sẽ tự nhiên suy giảm, cơ thể dễ bị tấn công bởi những bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng xảy ra với thai nhi.
Thực hiện biện pháp phòng ngừa trước mang thai sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho bản thân và em bé khi cơ thể không may bị tấn công bởi các bệnh nguy hiểm này. Tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi mang thai là một biện pháp chủ động giúp bảo vệ sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Nhiều phụ nữ cần tìm hiểu những loại vắc xin nào cần được tiêm phòng trước khi mang thai và thời gian bảo vệ của các loại vắc xin là bao lâu để chuẩn bị sẵn sàng tiêm chủng.
Việc tiêm phòng trước mang thai không chỉ bảo vệ sức khỏe người mẹ mà còn cung cấp cho trẻ sơ sinh một lượng kháng thể (miễn dịch) ngắn hạn để bảo vệ bé trong những năm tháng đầu đời, khi bé chưa đủ tuổi để có thể chủng ngừa vắc xin.
2. Lưu ý trước khi tiêm vắc xin
- Trước khi tiêm bất cứ một loại vắc xin nào, bạn cần thông báo cho trung tâm y tế về bất kỳ dị ứng nghiêm trọng nào hoặc tiền sử đã từng bị dị ứng nặng với vắc xin. Dị ứng là một phản ứng với thứ gì đó bạn chạm vào, ăn hoặc hít vào khiến bạn hắt hơi, ngứa, nổi mẩn hoặc khó thở.
- Xem lại lịch sử tiêm chủng của chính mình nhằm giúp bác sĩ xác định loại vắc xin nào mà bạn đã tiêm và chưa tiêm để có thể tiêm đúng, tiêm đủ liều trước và trong thời kỳ mang thai.
- Chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, không ốm sốt trên 38.5 độ trong giai đoạn định tiêm chủng.
3. Những loại vắc xin cần tiêm chủng trước khi mang thai
3.1. Tiêm vắc xin Cúm trước khi mang thai
Tiêm vắc xin cúm trước khi mang thai giúp bảo vệ phụ nữ trong mùa cúm. Thai phụ có thể trải qua thai kỳ an toàn trong mùa cúm. Tiêm phòng cúm thường được thực hiện hàng năm từ cuối tháng 8 đến tháng 3, tương ứng với thời gian diễn ra mùa cúm.
Vắc xin sống cúm được yêu cầu tiêm trước khi mang thai ít nhất 1 tháng, không khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai. Nếu nghi ngờ đang mang thai, hãy yêu cầu vắc xin cúm bất hoạt.
3.2. Tiêm vắc xin Sởi, quai bị và rubella (MMR) trước khi mang thai
Trước khi tiêm vắc xin Sởi, quai bị và rubella (MMR), bác sĩ có thể sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để đánh giá khả năng miễn dịch của phụ nữ và chỉ định cho tiêm nhắc lại nếu cần thiết.
Vắc xin MMR là vắc xin sống với virus đã được làm suy yếu. Nên tiêm vắc xin MMR trước khi mang thai ít nhất là 01 tháng và tốt nhất là 03 tháng để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp có thai xảy ra trong vòng 01 tháng sau khi tiêm, đừng lo lắng! Khuyến nghị về thời gian tiêm vắc xin này dựa trên rủi ro lý thuyết. Trên thực tế, chưa có báo cáo nào về tác hại đối với thai nhi do loại phơi nhiễm này.
3.3. Tiêm vắc xin Thủy đậu trước khi mang thai
Bệnh thủy đậu do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Bệnh thủy đậu có thể gây hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi nên cần có miễn dịch trước khi mang thai.
Trước khi tiêm vắc xin, bạn nên được đánh giá khả năng miễn dịch. Chẳng hạn có người từng bị thủy đậu hoặc tiêm vắc xin từ khi còn rất nhỏ thì thường là sẽ không mắc lại bệnh này nữa nhưng cá biệt vẫn có người mắc lại. Đánh giá miễn dịch giúp bạn xác định xem mình có cần thiết phải tiêm hay không. Nếu bạn chưa từng bị bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin này trước đây thì cần thiết phải tiêm trước khi mang thai.
Tương tự như vắc xin MMR, vắc xin VZV là vắc xin sống đã được làm suy yếu. Nên tiêm 2 mũi vắc xin thủy đậu trước khi mang thai. Mũi tiêm thứ 2 cách mũi tiêm thứ nhất 1 tháng và sau ít nhất 3 tháng từ sau mũi tiêm thứ 2 mới nên có thai để đảm bảo an toàn.
3.4. Tiêm vắc xin HPV trước khi mang thai
Papillomavirus ở người hay còn gọi là HPV gây ra các bệnh liên quan đến HPV phổ biến nhất là ung thư cổ tử cung. Vắc xin này được khuyến nghị cho thanh thiếu niên khoảng từ 11 (hoặc 9) tuổi đến 25 (hoặc 26) tuổi, chưa quan hệ tình dục với 3 mũi vắc xin.
Phụ nữ lớn hơn độ tuổi trên và đã quan hệ tình dục có thể tiêm nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn và cần tầm soát ung thư cổ tử cung trước khi tiêm.
3.5. Vắc xin bổ sung cần xem xét tiêm trước khi mang thai
Bác sĩ có thể khuyến nghị thêm một số loại vắc xin sau đối với phụ nữ có nguy cơ.
- Vắc xin viêm gan A
- Vắc xin viêm gan B
- Vắc xin phế cầu khuẩn
4. Tiêm phòng trước khi mang thai có tác dụng trong bao lâu?
- Vắc xin phòng sởi – quai bị – rubella cần thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi tiêm vắc xin cơ bản. Mũi thứ nhất tiêm vào thời điểm chỉ định, mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. Riêng với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần hoàn tất mũi tiêm vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella cuối cùng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
- Vắc xin phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván với người lớn cần tiêm 1 mũi và nhắc lại mỗi 10 năm. Riêng vắc xin Boostrix có thể được xem xét sử dụng cho phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.
- Vắc xin phòng cúm có tác dụng phòng bệnh trong vòng 1 năm sau khi tiêm. Đây là loại vắc xin cần tiêm mũi nhắc lại hàng năm.
- Vắc xin viêm gan B: Nếu bạn đã tiêm 3 mũi liên tục và mũi thứ 4 nhắc lại sau 1 năm thì gần như đã tạo miễn dịch suốt đời với bệnh.
- Thủy đậu: Vắc xin phòng thủy đậu có tác dụng phòng bệnh trung bình 15 năm. Sau thời gian này, người phụ nữ có thể đi tiêm phòng mũi tăng cường để phòng bệnh hiệu quả.
- Ung thư cổ tử cung: Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung có hiệu quả bảo vệ kéo dài lên đến 30 năm.
- Uốn ván: Vắc xin uốn ván không cung cấp kháng thể suốt đời, người đã được tiêm phòng có thể phòng bệnh trong vòng 10 năm.
5. Các tác dụng phụ khi tiêm phòng trước khi mang thai
Trước khi tiêm phòng vắc xin, chị em cần thăm khám và kiểm tra sức khỏe cũng như khả năng miễn dịch với các loại bệnh để từ đó đưa ra được loại vắc xin phù hợp nhất.
Hầu hết các loại vắc xin đều cần được tiêm hoàn tất trước khi mang thai từ 1 – 3 tháng (tốt nhất là 3 tháng). Do đó, nếu đang có ý định mang thai, bạn cần lưu ý sắp xếp thời gian tiêm phòng sao cho hợp lý và đảm bảo an toàn nhất.
Tiêm vắc xin trước khi mang thai thường tương đối an toàn, ít khi gây ra tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Nếu có thì chỉ là những triệu chứng với mức độ nhẹ như cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ, vị trí tiêm sưng đau, hắt hơi, sổ mũi,… Những triệu chứng này thường sẽ thuyên giảm và biến mất sau một vài ngày mà không cần điều trị hay sử dụng thuốc.
Trường hợp có các dấu hiệu bất thường như ngủ li bì, sốt cao không thuyên giảm,… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.