Thứ Ba, Tháng Mười Hai 17, 2024

Viêm cổ tử cung khi mang thai

Viêm cổ tử cung là bệnh lý khá phổ biến với không chỉ phụ nữ bình thường lẫn phụ nữ đang mang thai. Cũng như các bệnh phụ khoa khác, viêm cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người mẹ và bé.

1. Viêm cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung, có vai trò sản xuất dịch nhầy để dễ dàng giao hợp, tạo cơ hội cho tinh trùng dễ dàng vào sâu bên trong tử cung để tới ống dẫn trứng thụ thai.

Viêm cổ tử cung là tình trạng sưng, viêm, lở loét ở cổ tử cung do các tác nhân như nhiễm khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng. Bệnh được chia làm hai loại là cấp tính và mãn tính. Viêm cổ tử cung cấp tính khi tái phát nhiều lần hoặc không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm cổ tử cung mãn tính.

Viêm cổ tử cung khi mang thai cũng là tình trạng khá phổ biến. Thường trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ là thời gian mẹ bầu rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, đặc biệt là viêm cổ tử cung.

Viêm cổ tử cung là loại bệnh lý không khó chữa, tuy nhiên nếu không được điều trị, bệnh có nguy cơ làm giảm chức năng miễn dịch của tử cung và âm đạo, tăng khả năng mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, nhiễm Chlamydia,… thậm chí là nhiễm HIV.

2. Nguyên nhân viêm cổ tử cung khi mang thai

Thay đổi nội tiết tố trong những tháng đầu thai kỳ có thể gây viêm nhiễm phụ khoa

Các nguyên nhân gây viêm cổ tử cung khi mang thai bao gồm:

  • Mất cân bằng nội tiết khi mang thai đặc biệt là ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ, cơ thể có nhiều thay đổi suy giảm sức đề kháng, nội tiết tố mất cân bằng khiến cho các loại virus, vi khuẩn, nấm… có điều kiện xâm nhập và phát triển gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, trong đó có viêm cổ tử cung.
  • Không vệ sinh vùng kín thường xuyên hay vệ sinh không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến chị em dễ mắc bệnh viêm cổ tử cung cũng như các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa khác.
  • Môi trường âm đạo thay đổi: Sự mất cân bằng nội tiết tố nữ khi mang thai cũng dẫn đến sự thay đổi độ pH trong môi trường âm đạo. Ngoài ra một số mẹ bầu thường xuyên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có tính kiềm mạnh làm cho môi trường âm đạo thay đổi và khiến các vi khuẩn lây lan từ âm đạo đến cổ tử cung và gây viêm cổ tử cung.
  • Mặc quần lót chật, bó sát khiến vùng kín bức bí dễ sinh vi khuẩn.
  • Vùng kín ẩm ướt và tiết dịch nhiều khiến vi khuẩn sản sinh mạnh xâm nhập vào cổ tử cung gây viêm nhiễm.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Vấn đề quan hệ tình dục khi mang thai mà không có một bệnh pháp an toàn cũng khiến cho vi khuẩn dễ dàng lây lan và gây viêm.
  • Đã từng viêm nhiễm phụ khoa nhưng không điều trị triệt để.
  • Người mẹ đã từng sảy thai, nạo thai hoặc sinh non nhưng không chăm sóc kĩ 

3. Triệu chứng viêm cổ tử cung khi mang thai

Các triệu chứng của viêm cổ tử cung thường không điển hình, chúng khá tương đồng so với biểu hiện của các bệnh phụ khoa khác. Chỉ khi bệnh trở nặng, các triệu chứng mới trở nên rõ ràng hơn. Một số triệu chứng phổ biến của viêm cổ tử cung gồm:

Thai phụ bị viêm cổ tử cung có thể bị xuất huyết âm đạo, đau tức ở vùng bụng dưới
  • Âm đạo tiết nhiều khí hư có màu vàng, trắng đục hoặc xám nhạt.
  • Vùng kín ngứa ngáy hoặc sưng tấy.
  • Thường xuyên có cảm giác nóng rát ở vùng kín, đặc biệt là khi đi tiểu.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường, đau tức ở vùng bụng dưới.
  • Ngứa ngáy, sưng tấy vùng kín.
  • Cảm giác nóng rát vùng kín, nhất là khi đi tiểu.
  • Đau và có thể chảy máu khi quan hệ tình dục, có thể thấy xuất huyết âm đạo bất thường.
  • Có trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ hoặc vừa.

4. Ảnh hưởng của viêm cổ tử cung đối với thai kỳ

Mang thai là giai đoạn rất nhạy cảm và cần đặc biệt chú ý nếu thai phụ không may mắc các bệnh lý viêm nhiễm. Viêm cổ tử cung khi mang thai nếu không được can thiệp, điều trị sớm thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

Bà bầu bị viêm cổ tử cung có nguy có vỡ ối sớm
  • Nếu mẹ bị viêm cổ tử cung khi mang thai do nhiễm nấm Candida, con sinh thường có thể bị nấm dính vào niêm mạc miệng gây đen miệng hoặc viêm da do nấm.
  • Thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng hoặc tăng nguy cơ sinh non, sức đề kháng yếu, viêm phổi do nấm.
  • Nếu mẹ bị viêm cổ tử cung do lậu cầu, vi khuẩn từ dịch tiết ở đường sinh dục của mẹ có thể xâm nhập vào mắt trẻ sơ sinh gây nên tình trạng viêm kết mạc mắt, khiến mắt trẻ bị sung huyết, có mủ vàng, gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
  • Nguy cơ vỡ màng ối sớm, nhiễm trùng nước ối, bào thai…gây nhiễm trùng bào thai dẫn đến nguy cơ sinh non cao.
  • Viêm cổ tử cung khi mang thai cũng làm giảm sự đàn hồi của tử cung nên cũng tăng nguy cơ sảy thai hơn so với bình thường.

5. Điều trị viêm cổ tử cung khi mang thai

Viêm nhiễm phụ khoa dù gặp ở phụ nữ không mang thai hoặc đang mang thai thì việc phát hiện bệnh sớm sẽ cho kết quả điều trị hiệu quả hơn. Khi thấy có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai bạn nên đến bác sĩ thăm khám kết hợp với xét nghiệm dịch tiết âm đạo để tìm ra nguyên nhân gây viêm cổ tử cung để biết rõ tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa từ đó kê thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Viêm cổ tử cung trong thai kỳ thường được điều trị bằng thuốc
  • Đối với viêm cổ tử cung cấp tính: các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc điều trị là chủ yếu. Thường là kết hợp giữa thuốc kháng sinh uống và thuốc đặt phụ khoa để tăng hiệu quả điều trị. Viên đặt âm đạo mà bác sĩ kê đơn thường được phối hợp giữa 3 loại thuốc kháng sinh và kháng nấm cho tác dụng điều trị tại chỗ các bệnh nhiễm khuẩn ở âm đạo và cổ tử cung do vi khuẩn hay vi nấm.
  • Đối với viêm cổ tử cung mãn tính: bác sĩ vẫn chỉ định điều trị viêm cổ tử cung kết hợp các dung dịch đặc trị để vệ sinh vùng kín. Vì đơn giản trong thời gian thai kỳ, phụ nữ không thể áp dụng các phương pháp ngoại khoa, xâm lấn. Việc điều trị ngoại khoa có thể tiến hành sau khi đã sinh bé.
Những điều cần chú ý khi điều trị viêm cổ tử cung khi mang thai
  • Tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc và cũng không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định nhất là khi bạn đang mang thai trong 3 tháng đầu.
  • Thông thường nếu nhiễm nấm thì bác sĩ sẽ kê đơn kết hợp điều trị cho chồng, bạn và chồng phải tuân thủ sử dụng đủ liều.
  • Kết hợp viên đặt âm đạo với nước vệ sinh phụ nữ, tăng hiệu quả điều trị.
  • Không quan hệ tình dục khi đang điều trị.
  • Mặc quần áo thông thoáng, tránh mặc đồ quá chật, hầm bí.
  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng cũng sẽ giúp mẹ bầu điều trị bệnh một cách hiệu quả.
  • Tái khám sau khi dùng hết thuốc.

6. Cách phòng tránh viêm cổ tử cung khi mang thai

Mẹ bầu bị viêm cổ tử cung cần kiêng quan hệ tình dục

Để phòng tránh viêm cổ tử cung khi mang thai, mẹ bầu nên:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, lau rửa từ trước ra sau (từ âm đạo ra hậu môn), không thực hiện ngược lại.
  • Sau khi đại tiện hoặc tiểu tiện, cần làm sạch vùng kín bằng cách rửa bằng nước sạch rồi lau khô bằng khăn bông chuyên dụng. Khăn bông cần được thay giặt hàng ngày, tốt nhất là phơi dưới ánh nắng.
  • Không được thụt rửa trong âm đạo, nhất là phụ nữ có thai vì dễ gây tổn thương cho vùng âm đạo và gây xuất huyết tử cung.
  • Mẹ bầu nên kiêng quan hệ tình dục. Hoặc hai vợ chồng cần vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ trước và sau khi quan hệ, 
  • Chọn đồ lót làm từ chất liệu cotton thoáng mát, có khả năng thấm hút tốt.
  • Tránh dùng các dung dịch, xà phòng có chất tẩy rửa mạnh.
  • Chế độ ăn uống hợp lý hạn chế ăn ngọt, tăng cường ăn rau xanh hoa quả nhất là những loại thức ăn giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng.

Viêm cổ tử cung khi mang thai gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, chính vì vậy bạn nên chú ý tránh mắc viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai. Khi có các dấu hiệu của bệnh bạn không được tự ý dùng thuốc mà nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và kê đơn loại thuốc phù hợp, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới thai nhi.

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments