1. Vitamin D là gì?
Vitamin D (calciferol) gồm một nhóm secosteroid tan trong chất béo, được tìm thấy rất ít trong thức ăn tự nhiên. Vitamin D được quang hợp trong da của động vật có xương sống nhờ tác động bức xạ B của tia tử ngoại.
Vitamin D có nhiều cấu trúc, tuy nhiên, có 2 cấu trúc sinh lý chính là vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Vitamin D2 có nguồn gốc từ men nấm và sterol thực vật, ergosterol, vitamin D3 được tổng hợp từ 7- dehydrocholesterol ở da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Xét theo góc độ dinh dưỡng người, 2 loại này có giá trị sinh lý tương tự nhau.
2. Vai trò của vitamin D đối với thai kỳ
Vitamin D không chỉ có vai trò quan trọng đối với mẹ bầu mà còn có lợi cho sự phát triển của bé trong thai kỳ.
- Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong chức năng của hệ thống miễn dịch, sự phân chia của các tế bào và giúp cho sự phát triển xương của thai nhi
- Cần thiết cho sự hấp thu, chuyển hóa của canxi và phospho, những khoáng chất đặc biệt cần thiết cho việc xây dựng răng và xương chắc khỏe
- Trong trường hợp thiếu vitamin D, mẹ có thể gặp phải chứng tiền sản giật hoặc nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bệnh về hệ thống thần kinh và những bệnh liên quan đến tim mạch.
3. Dấu hiệu thiếu hụt vitamin D khi mang thai
-
Đau nhức xương khớp
Dấu hiệu đặc trưng của tình trạng thiếu vitamin D ở bà bầu chính là đau nhức xương khớp. Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu cần nhiều canxi hơn bình thường để giúp thai nhi phát triển khung xương, và yếu tố không thể thiếu để tạo nên hệ xương chắc khỏe chính là canxi. Do vitamin D là thành phần có chức năng hỗ trợ xương hấp thụ canxi nên nếu thiếu vitamin D ở bà bầu, xương khớp sẽ rất yếu, dễ vỡ khi gặp chấn thương và thường xuyên sưng đau, nhức mỏi. Các mẹ nên bổ sung vitamin D để giảm thiểu các dấu hiệu đau nhức cũng như đảm bảo cho bé sự phát triển toàn diện.
-
Tâm trạng ủ rũ
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc bổ sung không đủ lượng vitamin D ở bà bầu thường dẫn tới tâm trạng ủ rũ, buồn rầu. Tuy không quá nguy hiểm nhưng tình trạng này cũng ảnh hưởng xấu tới thai nhi và khiến bà bầu luôn ở mệt mỏi, chán nản. Điều này hoàn toàn có thể được cải thiện nhanh chóng sau khi cơ thể mẹ được cung cấp đầy đủ lượng vitamin D cần thiết.
-
Huyết áp cao
67% bà bầu thiếu vitamin D sẽ có xu hướng huyết áp tăng cao bất thường. Đây là một con số rất đáng báo động, do cao huyết áp dễ dẫn tới nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như: suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành,… Do đó, tuyệt đối đừng chủ quan khi cơ thể thiếu vitamin D mà hãy bổ sung kịp thời các mẹ nhé.
-
Bệnh răng lợi
Khi tình trạng thiếu vitamin D xảy ra nghiêm trọng, mẹ bầu thường mắc các bệnh về răng lợi như chảy máu lợi, sưng lợi, viêm lợi,… Nguyên nhân là do vitamin D có khả năng kích thích cơ thể sản sinh hợp chất tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng.
-
Đái tháo đường
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa tình trạng thiếu hụt vitamin D và nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2. Vitamin D có khả năng hỗ trợ quá trình chuyển hóa đường, do đó việc thiếu hụt vitamin D dễ gây bệnh đái tháo đường. Đây là điều mà các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý trong quá trình mang thai.
4. Giai đoạn mẹ bầu cần bổ sung vitamin D và hàm lượng phù hợp
4.1. Khi nào bà bầu nên bổ sung vitamin D?
Việc bổ sung vitamin D cho bà bầu nên được tiến hành ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai và tiếp tục duy trì suốt trong các tháng của thai kỳ để phòng chống bệnh còi xương, mềm xương vì thiếu cân nặng cho trẻ, đồng thời giúp bé phát triển tốt nhất cả về thể lực và trí tuệ. Việc bà bầu bổ sung hợp lý vitamin D trong suốt thai kỳ của mình còn có lợi cho sự phát triển về xương của bé trong những năm đầu đời.
4.2. Nhu cầu vitamin D cho phụ nữ mang thai
Thông thường, hàm lượng vitamin D mà các chuyên gia đề nghị các mẹ bầu phải hấp thu là 600 IU/ngày. Tuy nhiên, qua từng giai đoạn phát triển khác nhau của thai kỳ, liều lượng vitamin D cho mẹ bầu có thể thay đổi. Vì vậy, các mẹ cần phải đi kiểm tra lượng vitamin D định kỳ và xin lời khuyên từ các bác sĩ về việc bổ sung vitamin D một cách hợp lý nhất. Mẹ bầu chú ý không nên bổ sung thừa vitamin D, để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
5. Cách bổ sung vitamin D trong thai kỳ
Vitamin D rất quan trọng với sự phát triển của bé cũng như sức khỏe của mẹ. Tuy không thể thiếu, nhưng cũng không nên bổ sung quá nhiều gây thừa. Việc bổ sung quá nhiều vitamin D sẽ khiến mẹ bầu gặp tình trạng nôn, buồn nôn, sỏi thận, chóng mặt, đau bụng,… Do đó nên cân đối kĩ lưỡng lượng vitamin D nạp vào cơ thể các mẹ nhé.
5.1. Bổ sung vitamin D bằng chế độ ăn
- Ăn uống đa dạng đủ 4 nhóm thực phẩm, sử dụng những loại thực phẩm có hàm lượng vitamin D cao như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá,…
- Sử dụng các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột mì, bánh quy, dầu ăn, ngũ cốc…
- Ăn các thực phẩm giàu canxi như cua, cá, tôm, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… Canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác.
- Cần cung cấp đủ chất béo cho bữa ăn để tăng hấp thu vitamin D.
- Ngoài ra, chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất như magie, kẽm. Tỷ lệ canxi/phospho cân đối giúp hấp thụ canxi một cách tối đa.
5.2. Bổ sung vitamin D bằng thuốc
Bên cạnh sử dụng thực phẩm, mẹ bầu có thể uống thêm viên tổng hợp vitamin D trong trường hợp khẩu phần ăn uống hằng ngày của mẹ không cung cấp đủ hàm lượng vitamin D cần thiết. Tuy nhiên, trước khi uống, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé nhé.
Khi uống vitamin D, các mẹ nên uống sau bữa ăn, vì lúc này cơ thể hấp thụ vitamin D một cách tốt nhất. Trong trường hợp uống các loại thuốc khác, các mẹ nên uống cách xa thời gian sử dụng vitamin D để đảm bảo không làm giảm đi tác dụng của vitamin D.