1. Vai trò của kẽm đối với thai kỳ
Khi mang thai, mẹ bầu cần rất nhiều dưỡng chất để thai nhi phát triển, kẽm là một trong các dưỡng chất không thể thiếu được.
1.1. Vai trò cụ thể của kẽm với bà bầu
- Đảm bảo mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh: Kẽm hỗ trợ mẹ bầu hấp thụ tốt các khoáng tố vi lượng khác như mangan, đồng… Từ đó giúp mẹ bầu đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe đồng thời hỗ trợ thai nhi phát triển tốt.
- Giúp mẹ bầu nhanh chóng hồi phục sau quá trình vượt cạn: Kẽm tham gia vào quá trình tạo mô mới, tăng cường làm lành vết thương từ quá trình sinh nở.
- Tăng hấp thu canxi cho mẹ bầu: Khi bổ sung kẽm cùng với canxi, kẽm hỗ trợ mẹ bầu hấp thu tốt canxi vào xương, tăng mật độ canxi trong xương, hạn chế tình trạng mất xương do phản ứng hủy xương gây ra. Từ đó giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc bệnh về xương khớp. Thêm nữa, khi mẹ đủ canxi, con sẽ phát triển tốt hệ thống khung xương, đảm bảo chiều cao và cân nặng chuẩn.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ bầu: Kẽm kích hoạt tế bào miễn dịch lympho T, tăng cường hoạt động của tế bào này, giúp cơ thể loại trừ tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… Ngoài ra, nó còn giúp thai nhi phát triển và hoàn thiện chức năng hệ miễn dịch.
1.2. Vai trò của kẽm cho thai nhi
- Tăng cường sự phát triển của thai nhi: Kẽm tham gia vào quá trình phân chia tế bào, hỗ trợ tạo tế bào mới, đảm bảo cho thai nhi hoàn thiện các bộ phận của cơ thể.
- Hỗ trợ thai nhi phát triển tốt hệ thần kinh và não bộ: Kẽm có nồng độ cao trong não thai nhi, nó hỗ trợ phát triển tế bào và chức năng của não bộ cũng như hệ thần kinh, góp phần hỗ trợ cho trẻ nhận thức và ghi nhớ tốt trong tương lai.
- Giảm tình trạng bị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh: Theo nghiên cứu, kẽm có tác dụng hiệu quả trong điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Khi mẹ bầu bổ sung kẽm đầy đủ sẽ hạn chế nguy cơ bị tiêu chảy ở con.
2. Hiệu quả của kẽm trong ngăn ngừa một số bệnh và biến chứng thai kỳ
Việc sử dụng kẽm trong thai kỳ có hiệu quả trong việc ngăn ngừa một số bệnh lý và biến chứng sau.
- Cảm lạnh
Khi mang thai, cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm và dễ mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh. Vì phải hạn chế sử dụng thuốc trong thai kỳ nên các mẹ có thể sử dụng viên ngậm kẽm thay thế. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy thuốc ngậm có chứa kẽm gluconate hoặc kẽm acetate giúp giảm thời gian bị cảm lạnh ở người lớn. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc như mùi vị và gây buồn nôn có thể hạn chế việc sử dụng ở mẹ bầu.
- Trầm cảm
Khi mang thai, mẹ bầu có nhiều thay đổi về mặt tâm lý, dễ bị áp lực và lo lắng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trầm cảm trong quá trình mang thai là hạn chế. Nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ kẽm thấp hơn ở những người bị trầm cảm. Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm có liên quan đến việc ít nguy cơ trầm cảm.
- Sinh non
Sử dụng viên kẽm uống khi mang thai dường như làm giảm nguy cơ sinh non. Nhưng việc bổ sung kẽm không làm giảm nguy cơ thai chết lưu, sảy thai hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh.
- Thiếu vitamin A
Uống kẽm cùng với vitamin A cải thiện mức vitamin A tốt hơn uống vitamin A hoặc kẽm đơn thuần.
3. Những dấu hiệu thiếu kẽm khi mang thai
Các dấu hiệu thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai bao gồm:
- Giảm thèm ăn.
- Giảm khả năng miễn dịch với dị ứng và nhiễm trùng.
- Sự phát triển của thai nhi bị suy giảm.
- Cảm giác mùi vị kém.
4. Tác hại khi thiếu hoặc thừa kẽm
Với các khoáng chất vi lượng, thiếu hoặc quá liều đều để lại tác dụng phụ nghiêm trọng. Đối với kẽm, thì thừa hoặc thiếu sẽ có một số ảnh hưởng như sau:
4.1. Mẹ bầu thiếu kẽm
- Hệ thống miễn dịch của mẹ suy giảm, mẹ bầu dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm phổi…
- Mẹ bầu sẽ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, trầm cảm, nguy cơ sinh non cao
- Chậm lành vết thương, tăng nguy cơ tiền sản giật.
- Các khoáng tố vi lượng khác bị giảm hấp thu do thiếu kẽm, dẫn đến sức khỏe mẹ bầu không đảm bảo, thai nhi không được cung cấp đủ dưỡng chất để phát triển, đặc biệt là hệ thần kinh và hệ miễn dịch, thiếu chiều cao và cân nặng so với tuổi.
- Con sinh ra thiếu kẽm sẽ nhận thức chậm, dễ mắc một số bệnh về não bộ và hệ thần kinh như bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, miễn dịch kém nên dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm phế quản…
4.2. Mẹ bầu thừa kẽm
- Buồn nôn: nếu lượng kẽm hấp thu quá nhiều có thể gây nôn hoặc bị nôn thường xuyên. Đây là cơ chế tốt giúp loại bỏ lượng vi chất dư thừa.
- Giảm nồng độ cholesterol HDL: đây là một loại chất tốt cho cơ thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của xơ vữa động mạch. Vì vậy, nồng độ cholesterol HDL thấp có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
- Rối loạn tiêu hóa: các triệu chứng thường gặp bao gồm đau bụng, tiêu chảy, táo bón, xuất huyết ruột,…
- Suy giảm sức đề kháng: ảnh hưởng đến các chức năng của tế bào làm rối loạn hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ bị các mầm bệnh tấn công.
- Một số triệu chứng khác: đau đầu, sốt, ớn lạnh, rối loạn vị giác,…
5. Mẹ bầu nên sử dụng kẽm khi nào và hàm lượng bao nhiêu?
Những lợi ích trên của kẽm với bà bầu và thai nhi cho thấy: Việc bổ sung kẽm trong quá trình mang thai là rất quan trọng. Thậm chí, việc bổ sung kẽm cần kéo dài cho đến khi cho con bú. Vì nó sẽ ảnh hưởng đến lượng kẽm trong dinh dưỡng của trẻ sơ sinh.
Việc bổ sung kẽm cũng tương tự như axit folic, một trong các chất dinh dưỡng được kê đơn trước khi mang thai. Nó góp phần đảm bảo chất lượng của trứng. Kẽm thúc đẩy lập trình ADN của tế bào trứng hoặc tế bào trứng chưa trưởng thành. Do đó, việc bổ sung kẽm cũng rất cần thiết trước khi thụ thai.
Kẽm hầu như an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai và cho con bú khi được sử dụng với lượng khuyến cáo hằng ngày (RDA). Tuy nhiên, không được sử dụng liều cao ở phụ nữ cho con bú và không an toàn cho phụ nữ mang thai.
- Bổ sung kẽm cho phụ nữ mang thai: 11- 12 mg/ngày;
- Bổ sung kẽm cho mẹ đang cho con bú: 12 – 13 mg/ngày
6. Cách bổ sung kẽm trong thai kỳ
- Bổ sung kẽm bằng ăn uống: Bổ sung kẽm cho mẹ bầu bằng chế độ ăn đa dạng thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày. Chọn thức ăn giàu kẽm như sữa, một số chế phẩm chứa vitamin muối khoáng, rau xanh, hoa quả, tôm, cua, hàu, cá… Tuy nhiên, cần ăn cân đối giữa thức ăn động vật và thực vật. Có thể bổ sung thêm giá đỗ, dưa chua lên men trong bữa ăn vì các thức ăn này có quá trình làm tăng hàm lượng vitamin C và giảm axit phytic trong thực phẩm nên sẽ làm tăng hấp thu sắt và kẽm từ khẩu phần ăn.
- Bổ sung kẽm bằng thuốc: Nếu bạn đang thiếu kẽm nên bổ sung các thuốc có chứa kẽm như gluconat kẽm hay sulfat kẽm. Bạn nên uống sau ăn 30 phút và bổ sung kẽm trong thời gian 2-3 tháng.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp viên kẽm cho bà bầu cùng với thức ăn, điều này giúp giảm sự khó chịu khi sử dụng một mình viên kẽm. Việc tham khảo ý kiến của bác sĩ giúp mẹ lựa chọn loại cũng như liều lượng và cách thức sử dụng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.