1. Vai trò của Canxi trong thời kỳ mang thai
Canxi là loại khoáng chất cần được đặc biệt chú ý trong thời gian người mẹ mang thai. Khi canxi không được cung cấp đầy đủ, thai tăng trưởng sẽ sử dụng canxi trong xương của người mẹ mà người mẹ cũng rất cần chất này để có đủ sức khỏe sinh nở và chăm sóc con sau này.
Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thời kỳ mang thai sẽ giúp tạo thành và phát triển xương thai nhi, cũng như đảm bảo toàn vẹn xương của mẹ. Trong cơ thể 99% canxi nằm trong xương, 1% còn lại nằm trong các dịch và các tế bào của cơ thể. Vì xương là mô sống nên hàng ngày canxi đều lắng đọng và mất đi nên cơ thể rất cần canxi. Việc tích lũy canxi đều đặn là rất cần thiết, nó vừa thay thế cho phần canxi mất đi vừa tạo nguồn dự trữ canxi khi mà các thực phẩm cung cấp không đủ.
Một số vai trò của canxi đối với bà bầu bao gồm:
- Cung cấp cho sự phát triển của bé, giúp bé phát triển hệ xương toàn diện và khỏe mạnh.
- Tham gia điều hòa quá trình đông máu, tạo điều kiện cho sự đông máu tự nhiên.
- Bảo vệ mẹ chống loãng xương, xốp xương, xương yếu dễ gãy do thiếu canxi.
- Duy trì nhịp tim ổn định và các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể.
- Là nguyên liệu cần thiết cho sản xuất sữa mẹ sau sinh.
- Giảm nguy cơ tiền sản giật ở bà bầu, ngăn ngừa cao huyết áp.
2. Biểu hiện của mẹ bầu khi bị thiếu hay thừa canxi
Phụ nữ có thai cần bổ sung canxi để cung cấp cho thai nhi, giúp ích cho quá trình hình thành xương, hộp sọ, răng, cơ của em bé.
Mẹ bầu thiếu canxi thường có các biểu hiện như:
- Người mệt mỏi
- Đau lưng, đau mỏi xương khớp
- Đau răng, sâu răng
- Tê chân
- Chuột rút
- Mất ngủ
Mẹ bầu thiếu canxi còn ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi như:
- Chậm phát triển
- Còi xương bẩm sinh
- Khò khè bẩm sinh
- Dị dạng xương
Mẹ bầu thừa canxi:
Tình trạng thừa canxi kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất sắt và chất kẽm của cơ thể. Bên cạnh đó, nó cũng có thể khiến cho thận phải làm việc không ngừng nghỉ, dẫn đến quá tải dẫn tới nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản.
Những trường hợp phụ nữ có thai tự ý bổ sung, lạm dụng hoặc bổ sung liều cao có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim hoặc vôi hóa khớp vai hay canxi hóa động mạch, rất nguy hiểm. Nếu cơ thể xuất hiện tình trạng khát nước, tiểu nhiều, rối loạn nhịp tim, hay buồn nôn thì phải ngừng thuốc, tốt nhất nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
3. Nhu cầu canxi khi mang thai là bao nhiêu?
Nhu cầu canxi khi mang thai tăng lên rõ rệt theo tuổi thai. Trong 3 tháng đầu, phụ nữ có thai cần 800mg canxi, 3 tháng giữa là 1200mg và 3 tháng cuối là 1500mg. Phụ nữ cho con bú cần được bổ sung canxi sau sinh với lượng cần thiết ngang bằng với 3 tháng cuối của thai kỳ vì các dưỡng chất của trẻ đều được cung cấp từ nguồn sữa mẹ. Nếu người mẹ thiếu canxi thì trẻ cũng sẽ bị thiếu khoáng chất này.
Trong 100ml sữa mẹ cần có đủ 34mg canxi cho trẻ. Nếu thiếu canxi, trẻ sẽ dễ bị giật mình, hay quấy khóc, co giật, ngủ không yên giấc. Người mẹ cho con bú thiếu canxi cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn như: ốm yếu, dễ đau lưng, đau nhức vai, đau nhức xương khớp, đổ mồ hôi trộm, tăng nguy cơ bị loãng xương khi đến tuổi mãn kinh. Phụ nữ có thai không những phải ăn nhiều thực phẩm chứa canxi mà cần phải bổ sung canxi bằng thuốc. Nên sử dụng loại canxi có chứa vitamin D3 để tăng khả năng hấp thụ.
4. Bà bầu mấy tháng nên uống canxi?
Nhu cầu canxi của bà bầu tăng cao trong 3 tháng giữa của thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng cuối do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi. Nếu không được cung cấp đủ canxi, thai nhi sẽ tự “rút” canxi từ cơ thể của người mẹ để phục vụ quá trình hình thành xương, hộp sọ.
Như đã nói, 3 tháng giữa thai kỳ, nhu cầu canxi của mẹ bầu là 1200mg/ngày và tăng lên 1500mg/ngày ở 3 tháng cuối. Do đó, thông thường, thai phụ khi mang bầu đến tháng thứ 4 của thai kỳ nên bắt đầu uống canxi để cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cả mẹ và con.
Bổ sung canxi cho bà bầu rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, không được bổ sung tùy tiện vì nếu cơ thể không thể hấp thụ toàn bộ lượng canxi được nạp vào, một phần sẽ đào thải ra ngoài, có thể tăng áp lực cho dạ dày và hệ tiết niệu. Việc dư thừa canxi cũng ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Phụ nữ mang thai cần thực hiện xét nghiệm máu để xác mức độ canxi hiện có của cơ thể, từ đó mới đưa ra kết luận có cần uống canxi hay không, bổ sung canxi với lượng bao nhiêu là vừa đủ.
5. Cách bổ sung canxi cho bà bầu
Phương pháp hiệu quả nhất để bổ sung canxi cho phụ nữ mang thai chính là thông qua các loại thực phẩm tự nhiên đầy đủ dinh dưỡng. Để bổ sung canxi và các dưỡng chất tốt nhất cho em bé thì nên cho bé bú sữa mẹ.
- Phải ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt chú trọng đến những thực phẩm có lượng canxi dồi dào: Các món hải sản (gồm tôm, cua, sò, cá), các loại rau (gồm rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây).
- Vitamin K trong rau xanh là yếu tố hình thành nên osteocalcin, giúp tích tụ canxi vào xương.
- Bổ sung canxi từ sữa, sữa chua và các chế phẩm từ sữa. Sữa chua ngoài lợi ích về mặt tiêu hóa, còn có thể cung cấp canxi, vitamin D cùng những dưỡng chất thiết yếu khác. Vitamin D trong sữa chua đóng vai trò là “người bạn đồng hành”, giúp canxi được hấp thụ tốt hơn vào cơ thể.
- Thói quen của mẹ bầu cũng ảnh hưởng đến việc hấp thụ loại khoáng chất này. Cụ thể, chuyên gia khuyên mẹ bầu hạn chế tiêu thụ cà phê và muối vì những chất kích thích này thường ngăn chặn cơ thể hấp thu canxi.
- Tiêu thụ vừa đủ protein, không nên bổ sung quá nhiều. Khi lượng protein quá dồi dào trong cơ thể, khả năng đào thải canxi cũng tăng và từ đó rất dễ dẫn tới nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản.
Tuy nhiên, hàm lượng canxi bổ sung qua bữa ăn khó có thể cân đong đo đếm chính xác được. Thông thường, cơ thể chúng ta chỉ hấp thu khoảng 20% lượng canxi qua thức ăn, còn lại sẽ được bài tiết ra ngoài. Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý cân bằng các nhóm chất khác trong khẩu phần ăn, tránh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng.
6. Những lưu ý khi bổ sung canxi cho mẹ bầu
- Canxi có trong thực phẩm ăn uống hàng ngày nhưng cũng có trong các thuốc bổ khác và một số thuốc nhóm kháng axit để điều trị bệnh tiêu hóa. Chính vì vậy, bà bầu cần chú ý hàm lượng canxi bổ sung vào cơ thể không được vượt quá 2.500mg/ngày để tránh quá liều, gây tăng canxi máu.
- Nếu cần thiết phải bổ sung canxi cho bà bầu dưới dạng thuốc qua đường uống, thuốc gì và liều lượng thế nào phải do bác sĩ quyết định. Bởi vì việc này đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về y khoa.
- Ở những phụ nữ thiếu hụt canxi từ trước khi mang thai, việc bổ sung canxi còn giúp phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, đặc biệt ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị tăng huyết áp.
- Thường khi bổ sung canxi cho bà bầu, bác sĩ sẽ chỉ định kèm thêm vitamin D để tăng cường hiệu quả hấp thụ canxi.
- Tương tác giữa sắt và canxi có thể xảy ra khi bổ sung cùng lúc. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến cáo mẹ bầu nên sử dụng hai chất dinh dưỡng này cách nhau vài giờ thay vì đồng thời. Để thuận tiện, canxi có thể được bổ sung trong bữa ăn (từ thức ăn) và viên sắt có thể uống giữa các bữa ăn.
- Khi bổ sung canxi cho mẹ bầu, lưu ý không nên phối hợp cùng lúc với những thực phẩm như chocolate, trà, ca cao. Bởi vì những tương tác xảy ra có thể sẽ làm giảm hấp thu canxi.
Bổ sung canxi cho mẹ bầu là vô cùng cần thiết, nhưng tránh vượt quá 2.500mg/ngày. Việc bổ sung canxi cho bà bầu thông qua chế độ ăn uống hợp lý với các loại thực phẩm giàu canxi từ tự nhiên như: cá, tôm, sữa bò tươi, sữa chua và các chế phẩm từ sữa, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, rau muống, rau dền,… được Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến khích đối với tất cả mọi người nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai.