1. Vắc xin Tdap phòng tránh những bệnh nào?
Tdap là chữ viết tắt tên gọi của một loại vắc-xin được sử dụng để phòng ngừa 3 bệnh nhiễm trùng là bạch hầu, ho gà, uốn ván. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC của Mỹ khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm vắc-xin Tdap trong khoảng thời gian mang thai từ tuần thứ 27- 35 tuần với mục đích truyền kháng thể chống lại bệnh ho gà sang cho thai nhi, giúp chống lại bệnh ho gà khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh khi mà trẻ chưa được tiêm vắc xin bảo vệ.
1.1. Bệnh uốn ván (Tetanus)
Uốn ván là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng do Clostridium, một loại vi khuẩn uốn ván phổ biến gây ra. Nguyên nhân là do các dụng cụ cắt rốn chưa tiệt trùng và gốc dây rốn khó lành.
Các vi khuẩn uốn ván có thể dễ dàng đi vào cơ thể qua các vết thương hở. Một khi các vi khuẩn tấn công vào da, chúng sẽ sản xuất ra một loại độc tố có tên là tetanospasmin đi vào trong máu. Độc tố này tấn công vào hệ thần kinh và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván nếu trong quá trình mang thai mẹ bầu chưa được chủng ngừa căn bệnh này, trẻ sẽ không nhận được khả năng miễn dịch truyền từ mẹ. Do đó, mẹ bầu nên thực hiện việc tiêm phòng uốn ván đầy đủ trước và sau khi mang thai.
1.2. Bệnh bạch hầu (Diphtheria)
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu hình que (corynebacteria) gây ra, được đặc trưng bởi quá trình viêm cùng với sự hình thành màng fibrin tại vị trí thâm nhập của vi khuẩn, ngoại độc tố của vi khuẩn này đi vào máu gây nhiễm độc cho cơ thể với những biến chứng nặng.
Sau khi bị nhiễm, bệnh có thể cần từ 2 đến 5 ngày mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng xuất hiện từ từ và thường khởi phát bằng sốt nhẹ, đau họng, khó nuốt, bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi toàn thân và giảm vị giác. Trong vòng 2 đến 3 ngày, những mảng bám màu xám, dính, chắc xuất hiện ở vùng hầu họng và có thể chảy máu nếu như cố gỡ ra. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến những vấn đề nặng nề như suy hô hấp, thương tổn tim, thương tổn thận và thương tổn thần kinh.
1.3. Bệnh Ho gà (Pertussis)
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do trực khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh có biểu hiện ho nhẹ ban đầu thường giống cảm lạnh, nhưng khi trở nặng người bệnh có thể ho rít từng cơn và nôn ói.
Đối tượng thường bị ho gà tấn công chính là trẻ em. Ho gà có thể gây những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm ngừa vắc xin ho gà. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu ba mẹ không phát hiện và chữa trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà đều là do vi khuẩn gây ra. Bạch hầu và ho gà có khả năng lây lan từ người sang người thông qua dịch tiết khi ho hoặc hắt hơi. Uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt, vết trầy xước hoặc vết thương. Vắc xin Tdap (Tetanus, Diphtheria and Pertussis) có tác dụng bảo vệ bà bầu và em bé khỏi những bệnh này. Tiêm vắc xin Tdap cho phụ nữ mang thai giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại bệnh ho gà và uốn ván sơ sinh.
2. Tác dụng của vắc xin Tdap ngừa bạch hầu – uốn ván – ho gà trong thai kỳ
- Sau khi được tiêm phòng vắc xin Tdap, cơ thể bà bầu sẽ tạo ra các kháng thể cần thiết và truyền cho em bé trước khi sinh. Những kháng thể này giúp bảo vệ em bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà trong vài tháng đầu đời. Tiêm vắc xin Tdap cho bà bầu cũng giúp bảo vệ em bé tránh khỏi một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
- Lượng kháng thể trong cơ thể của phụ nữ mang thai sẽ đạt mức cao nhất trong khoảng 2 tuần sau khi được tiêm ngừa, tuy nhiên cần khoảng 2 tuần để truyền kháng thể cho em bé trong bụng. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để tiêm vắc xin uốn ván, bạch hầu, ho gà cho bà bầu là giai đoạn đầu trong tam cá nguyệt thứ 3.
- Lượng kháng thể được sinh ra sau khi chủng ngừa vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, nữ giới nên tiến hành tiêm nhắc lại đối với vắc xin Tdap trong mỗi lần mang thai. Điều này cho phép em bé trong những thai kỳ sau này có thể nhận được lượng kháng thể tối đa từ người mẹ để phát huy tác dụng bảo vệ và ngăn ngừa bệnh.
3. Lưu ý ở phụ nữ mang thai và cho con bú khi tiêm vắc xin Tdap
3.1. Tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván ở mỗi lần mang thai
Trên thực tế, lượng kháng thể đáp ứng với vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván trong cơ thể con người sẽ giảm dần theo thời gian. Mặc dù xét nghiệm máu có khả năng đo kháng thể chống ho gà trong cơ thể, tuy nhiên không thể biết được mức độ cần thiết đủ để bảo vệ bản thân hoặc thai nhi chống lại bệnh ho gà.
Nói cách khác, ngay cả khi phụ nữ đã từng mắc bệnh ho gà trong quá khứ hoặc đã được tiêm vắc xin trước đó, khả năng miễn dịch không phải là suốt đời. Vì vậy, người mẹ có thể tiêm vắc xin Tdap nhắc lại trong mỗi lần mang thai để thai nhi nhận được số lượng kháng thể bảo vệ lớn nhất, giúp chống lại những căn bệnh này một cách tối ưu.
3.2. Tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván bổ sung sau sinh
Nếu không tiêm vắc xin Tdap trong khi mang thai và chưa từng được chủng ngừa trước đây, phụ nữ sau sinh cũng có thể tiêm bổ sung vắc xin này. Phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể tiêm Tdap một cách an toàn.
Tuy nhiên, cơ thể người mẹ cần khoảng 3 – 4 tuần sau khi tiêm vắc xin để hình thành kháng thể. Vì vậy trong thời gian này phụ nữ vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây nhiễm cho trẻ sơ sinh khi chăm sóc các bé. Việc chủng ngừa vắc xin Tdap sau sinh ở người mẹ không có khả năng truyền kháng thể để tạo miễn dịch cho trẻ sơ sinh. Trẻ vẫn có thể bị lây bệnh từ những người khác, bao gồm anh chị em, ông bà và những người chăm sóc trẻ.
Việc đảm bảo chủng ngừa cho tất cả những người sẽ tiếp xúc với trẻ rất tốn kém và khó thực hiện. Do đó tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván bổ sung sau sinh không được xem là biện pháp tối ưu.
3.3. Chỉ tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván một lần trong thai kỳ
Nhìn chung, khả năng miễn dịch của loại vắc xin này có hiệu quả nhưng không kéo dài như các chuyên gia mong muốn. Vì vậy dù đã chủng ngừa vắc xin trước đó (khi không có thai) nhưng thời gian chủng ngừa quá xa so với thai kỳ, Tdap vẫn được khuyến nghị dùng lại trong tuần 27 – 35 của thai kỳ để tạo kháng thể bảo vệ tối ưu cho trẻ sơ sinh.
Nhưng nếu Tdap được chỉ định tiêm sớm hơn trong thai kỳ vì đang bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng hoặc phụ nữ trước khi mang thai vừa tiêm Tdap để phòng bệnh thì không nhất thiết phải tiêm vắc xin này khi đang mang thai vào ba tháng cuối.
4. Những đối tượng không nên tiêm vắc xin bạch hầu – uốn ván – ho gà
- Những người đã từng có phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng sau khi tiêm một liều vắc xin bạch hầu, uốn ván hoặc ho gà. Ngoài ra, những người đã từng bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin Tdap cũng không nên tiêm ngừa loại vắc xin này
- Những người đã từng bị hôn mê hoặc co giật nhiều lần trong vòng 7 ngày sau khi được tiêm một liều DTP hoặc DTaP khi còn nhỏ, hoặc sau khi tiêm Tdap trước đó, trừ khi tìm thấy nguyên nhân khác không phải do vắc xin. Trong trường hợp này, người mẹ vẫn có thể được tiêm vắc xin Td (vắc xin uốn ván – bạch hầu).
Tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cho bà bầu đem đến hiệu quả rõ rệt, giúp phòng ngừa và giảm tỷ lệ mắc ba căn bệnh nguy hiểm này cho người mẹ và trẻ sơ sinh. Vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng được đánh giá là rất an toàn, tất cả trẻ em sinh ra từ người mẹ đã được chủng ngừa đều khỏe mạnh và phát triển bình thường.