1. Uốn ván là bệnh gì?
Uốn ván là một chứng bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân gây uốn ván là từ loại vi khuẩn Clostridium tetan có trong đất, bụi bẩn và chất thải động vật. Những vi khuẩn này ở dạng bào tử rất khó tiêu diệt vì chúng có khả năng chịu nhiệt cao và kháng nhiều loại thuốc cũng như hóa chất.
Vi khuẩn uốn ván khi vào cơ thể sẽ tấn công trực tiếp đến hệ thần kinh và gây đau đớn cho bệnh nhân với những cơn co thắt cơ, đặc biệt ở hàm và cổ, gây nghẹt thở, có thể dẫn đến tử vong.
Đối tượng nguy cơ dễ mắc phải uốn ván là những người có vết thương hở ngoài da, đặc biệt là phụ nữ đang trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua vết cắt rốn…Vì vậy, việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu trong thai kỳ sẽ giúp bảo vệ chính bản thân người mẹ và cả trẻ sơ sinh, nhất là nếu thai phụ chưa từng được tạo miễn dịch trước đó.
2. Biểu hiện bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván không biểu hiện ngay khi nhiễm bệnh mà nó có thời gian ủ bệnh khá lâu. Bệnh thường trải qua 4 giai đoạn là: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Mỗi giai đoạn bệnh lại có những biểu hiện khác nhau, bạn cần biết rõ để có thể nắm bắt được tình trạng bệnh lý của mình.
Thời kỳ ủ bệnh
Thời kỳ này được tính từ lúc có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể từ 3 – 21 ngày, với biểu hiện đầu tiên là cứng hàm. Có khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh trong 3 ngày từ khi bị thương, 10% trong 14 ngày. Trung bình thì bị thương 7 ngày sẽ có triệu chứng đầu. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.
Thời kỳ khởi phát
Giai đoạn này tính từ khi có biểu hiện đầu tiên là cứng hàm cho đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc có cơn co thắt hầu họng, thanh quản. Thời gian xuất hiện những biểu hiện này thường từ 1 – 7 ngày, nếu thời gian khởi phát càng ngắn, dưới 48h thì bệnh càng nặng.
Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: mỏi hàm, khó nuốt, khó nhai, khó há miệng. Sau đó, sự co cứng này còn lan ra các cơ quan khác như co cơ mặt khiến nếp nhăn trán rõ hơn, hai chân mày cau lại; co cứng cơ gáy khiến cổ bị cứng và ngửa dần; co cứng cơ lưng; co cứng cơ bụng sờ vào có thể thấy rõ; co cứng cơ chi trên khiến tay luôn ở tư thế gập…
Những cơn co cứng này khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó vận động. Ngoài ra, còn một vài biểu hiện khác nữa là sốt cao, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh…
Thời kỳ lui bệnh
Lúc này, các cơn co giật cũng như những biểu hiện khác đã bắt đầu thưa dần, nhẹ hơn, miệng đã có thể há rộng, phản xạ nuốt trở lại. Giai đoạn này thường kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Thời kỳ toàn phát
Đây là giai đoạn nặng của bệnh với nhiều triệu chứng rõ ràng, được tính từ khi có cơn co giật toàn thân, co thắt hầu họng, thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu lui bệnh. Thường thì giai đoạn này kéo dài 1 – 3 tuần với các biểu hiện như co cứng toàn thân, khó thở, tím tái, co cắt cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện…
Những trường hợp nặng còn bị rối loạn thần kinh thực vật với những biểu hiện như da xanh tái, sốt cao 39 – 40 độ hoặc hơn, đờm dãi tiết nhiều, vã mồ hôi, tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp tim hoặc có thể ngừng tim.
3. Ảnh hưởng của bệnh uốn ván đối với sức khỏe của mẹ và bé
3.1. Đối với em bé
Nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh thường xảy ra thông qua việc tiếp xúc giữa cuống rốn chưa lành với vi khuẩn uốn ván. Các chứng bệnh này thường xuất hiện trong vòng hai tuần đầu tiên sau khi sinh, liên quan đến các chứng cứng khớp, đau cơ và nếu không được điều trị cẩn thận có thể dẫn đến tử vong. Vậy nên trẻ sơ sinh cần nhận được kháng thể chống uốn ván của mẹ qua nhau thai để có thể bảo vệ bản thân ngay sau khi sinh ra.
3.2. Đối với người mẹ
Trong quá trình sinh nở, vi khuẩn uốn ván sẽ dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua đường sinh dục và tình trạng phổ biến nhất mà người mẹ có thể gặp phải là uốn ván tử cung.
4. Các mốc thời gian cần tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
Tất cả các đối tượng trong độ tuổi sinh sản (15 đến 35 tuổi) đều được khuyến cáo tiêm phòng loại vắc xin này (theo WHO). Thai phụ tiêm vắc xin sẽ giúp cơ thể tạo kháng thể từ trước, nếu có bị khuẩn uốn ván tấn công, các kháng thể này sẽ đóng vai trò bảo vệ cả mẹ và trẻ sơ sinh. Liệu trình tiêm uốn ván cho bà bầu như sau:
4.1. Phụ nữ mang thai lần đầu
Phụ nữ chưa từng tiêm phòng vắc xin uốn ván, từng tiêm phòng nhưng chưa đủ số mũi hoặc tiêm phòng khi còn rất nhỏ thì nên tiêm 2 mũi vắc xin bao gồm:
- Mũi tiêm thứ nhất: Khi thai được khoảng 20 tuần tuổi là tốt nhất, có thể tiêm khi thai nhiều tuần hơn.
- Mũi tiêm thứ 2: Sau mũi tiêm thứ nhất ít nhất 30 ngày và trước sinh ít nhất 30 ngày để cơ thể đủ thời gian tạo kháng thể.
4.2. Phụ nữ đã từng mang thai
Nếu phụ nữ đã từng mang thai và tiêm phòng vắc xin uốn ván ở lần trước đó (dưới 5 năm) thì chỉ cần tiêm bổ sung 1 mũi khi thai đủ 24 tuần tuổi. Nếu thời gian mang thai trước xa hơn 5 năm và chưa tiêm đủ liều vắc xin thì mẹ bầu vẫn tiêm đủ 2 mũi như mang thai lần đầu.
5. Những điều bà bầu cần lưu ý khi tiêm phòng vắc xin uốn ván
Trên thế giới hầu hết các nước đều đã phổ cập tiêu chuẩn về tiêm phòng uốn ván bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ mang thai cũng như các đối tượng khác. Ngoài mẹ bầu chuẩn bị sinh, những người có nguy cơ mắc uốn ván hoặc nạo phá thai không an toàn đều nên tiêm phòng để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh.
- Dù tiêm phòng vắc xin uốn ván ở mẹ bầu có thể truyền kháng thể bảo vệ trực tiếp cho con song vẫn cần hết sức lưu ý về điều kiện sinh đẻ. Nếu sinh đẻ trong điều kiện thiếu an toàn, kém vệ sinh, trẻ có thể mắc phải nhiều bệnh lý khác ngoài uốn ván. Với sức khỏe còn yếu ớt thì những bệnh lý này hoàn toàn có thể đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng trẻ.
- Tại vị trí tiêm có thể bị sưng, đau. Tổn thương này sẽ tự khỏi sau một vài ngày, nếu nhiễm trùng nặng hơn, bác sĩ sẽ xem xét dùng thuốc hỗ trợ. Ngoài ra, một số mẹ bầu sau khi tiêm vắc xin có thể bị sốt nhẹ, đây là biểu hiện bình thường cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tốt, nhận diện tác nhân lạ và sản xuất kháng thể.
- Để phòng ngừa và xử lý kịp thời khi xảy ra sốc phản vệ sau tiêm phòng, mẹ bầu nên ở lại bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút. Nếu xuất hiện các triệu chứng lạ như: Chân tay lạnh, tiêu chảy, khó thở, tim đập nhanh, da xanh tái,… cần thông báo ngay với bác sĩ. Việc theo dõi cần tiếp tục thực hiện sau khi về nhà.
- Sau khi tiêm phòng và bảo vệ sức khỏe thai nhi, mẹ bầu nên tuân theo lời dặn của bác sĩ, không uống rượu bia, cà phê, các thức uống chứa cồn hoặc chứa chất kích thích,… Những chất này không những làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
- Để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa bệnh, hình thành kháng thể bảo vệ uốn ván tốt nhất, tiêm phòng đúng thời điểm theo tuổi thai là rất quan trọng. Tuổi thai tính chính xác nhất là theo kết quả siêu âm và đo kích thước chiều dài đầu mông của thai nhi hoặc dựa trên kỳ kinh nguyệt với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều.