1. Thai máy là gì? Mẹ có thể cảm nhận thai máy lúc nào?
Thai máy là những cử động của thai nhi trong suốt quá trình ở trong bụng mẹ từ đạp chân, vươn vai, vặn mình hay khua tay chân… Theo các chuyên gia, bắt đầu từ tuần thứ 7 – 8 của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu cử động. Tuy nhiên, lúc này bào thai còn quá nhỏ, các cử động của con còn yếu ớt nên mẹ chưa thể cảm nhận được. Đến tuần thứ 16 – 17 hoặc từ tuần 20 (với mẹ bầu mang thai con đầu) thì những cử động của thai nhi mới rõ ràng và mẹ có thể cảm nhận một cách dễ dàng. Thường trong ba tháng giữa thai kỳ, cử động của thai nhi thường không đều đặn, nhưng càng về sau càng đều đặn hơn. Thời gian hoạt động rõ nhất là từ cuối tuần thứ 25-32.
Nếu sau 5 tháng, vẫn chưa thấy thai máy là dấu hiệu đáng ngại. Những thai phụ có thành bụng dày khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Lượng nước ối quá ít hay quá nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận. Cảm nhận đầu tiên thường nhẹ nhàng, như có gì nhúc nhích trong bụng. Khi thai càng lớn mẹ sẽ cảm nhận rõ hơn cử động đạp, quẫy của bé. Ở những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cần phân biệt để tránh nhầm lẫn cử động thai với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm toàn bộ bụng cứng chắc lên, tuỳ mức độ còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng.
2. Các dấu hiệu của thai máy qua từng giai đoạn
Tùy từng thời điểm của thai kỳ cũng như sức khỏe của cả hai mẹ con mà cảm nhận về thai máy của mỗi mẹ bầu sẽ khác nhau. Có những mẹ bầu, khi thai nhi cử động mẹ chỉ cảm thấy những chuyển động nhẹ trong bụng, một số mẹ lại cảm giác như có gì đó đang chuyển động rất mạnh trong bụng và cũng có thời điểm, thai nhi đạp rõ ràng, bụng trồi lên cả dấu vết của bàn chân bé.
- Giai đoạn từ tuần thứ 7 – 8 của thai kỳ: mẹ bầu khó cảm nhận được cử động của thai nhi. Các cử động của bé lúc này quá nhẹ khiến mẹ không thể cảm nhận rõ.
- Từ tuần 16 – 22: thai máy bắt đầu rõ ràng hơn. Mẹ có thể cảm nhận được những cú đạp hay vươn vai của bé. S
- Ở tuần thứ 30 – 38 của thai kỳ: lúc này cử động của thai nhi được biểu hiện rõ ràng nhất. Những cú đạp, xoay trở mình hay cử động toàn thân của thai mẹ đều cảm nhận rõ ràng. Nhiều mẹ bầu khá thích thú khi thấy bụng mình liên tục trồi lên rồi tĩnh lại sau những cú đạp của con.
Tuy nhiên, ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ cũng nên quan sát kỹ hiện tượng thai máy và những cơn gò tử cung. Thông thường, thai máy chỉ cảm nhận được ở một vùng bụng còn gò tử cung làm toàn bộ vùng bụng của mẹ cứng lên. Dấu hiệu thai máy ở mỗi mẹ là khác nhau và đây là cách tốt nhất để mẹ tự cảm nhận sự phát triển của con yêu bên trong bụng mình. Nếu bé cử động thường xuyên, đều đặn thì mẹ cũng yên tâm hơn vì con đang phát triển tốt.
3. Thai máy bất thường
Theo dõi thai máy sẽ giúp mẹ đánh giá đầy đủ và chính xác về sức khỏe thai nhi. Những dấu hiệu thai máy bất thường mà mẹ cần lưu ý trong giai đoạn này:
3.1. Thai không máy, thai máy yếu
Ở những tháng đầu, theo dõi thai máy trong một ngày là dấu hiệu cho biết thai có hoạt động, nhưng không thể kết luận thai nhi yếu hay khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cả ngày mà thai không máy hoặc thai máy ít hơn so với những ngày trước thì cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu nhận biết thai máy bất thường.
Càng gần ngày sinh, cử động của thai nhi tuy rõ ràng nhưng tần suất cử động sẽ giảm. Trong lúc tỉnh giấc, thai nhi sẽ cử động tối thiểu 3 – 4 lần/giờ. Nếu cử động của thai nhi thấp hơn mức này, hoặc thai đang ngủ, hoặc đây chính là dấu hiệu thai máy bất thường.
3.2. Xuất hiện triệu chứng bất thường
Nếu mẹ xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, không căng ngực hay xuất huyết âm đạo và co thắt tử cung. Cùng với thai không máy, đây là những dấu hiệu thai máy bất thường và báo động sức khỏe thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm. Trong đó bao gồm thai bị thiếu ối, thiếu oxy hay gặp vấn đề về nhau thai có thể xảy ra. Lúc này, mẹ cần đi thăm khám ngay để bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng của thai.
3.3. Thai máy quá nhiều
Trong trường hợp thai máy quá nhiều cũng là yếu tố nhận biết thai máy bất thường. Nguy cơ thai nhi đang bị stress hay nguyên nhân từ chính bản thân người mẹ đang gặp những vấn đề căng thẳng. Lúc này bà mẹ cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu thai máy vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra.
4. Những điều mẹ bầu cần làm khi thai máy bất thường
Trong suốt quá trình mang thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ, nếu thai máy có những biểu hiện bất thường như trên, hoặc máy ít hơn 3 – 4 cử động trong một giờ thì mẹ nên theo dõi sát sao thêm một giờ nữa. Nếu không có gì cải thiện mẹ cần đi bệnh viện ngay để có phương pháp xử trí kịp thời.
- Thăm khám bác sĩ: Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi, cũng như biến động của tim thai.
- Theo dõi đến chế độ dinh dưỡng: Khi mang thai, nếu không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, trẻ giảm sự phát triển trí tuệ và các bộ phận khác, từ đó dẫn đến sanh non hay sanh khó. Vì vậy, dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là giai đoạn thai máy đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe mẹ và con. Mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể như chất đạm có trong thịt, cá tươi, thịt gia cầm, các thực phẩm chế biến từ sữa bò, các loại đậu, ngũ cốc, trái cây, bánh mì; chất đường trong các loại hoa quả; chất béo giúp cho sự phát triển tế bào não và giúp hấp thu các vitamin A, D, E và K hiệu quả hơn… đề phòng những dấu hiệu bất hưởng của thai máy.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Mẹ bầu cũng cần tránh căng thẳng trong giai đoạn mang thai. Hãy dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, làm những điều mình yêu thích và lao động nhẹ nhàng để cơ thể luôn khỏe mạnh và tinh thần luôn hứng khởi để chào đón bé yêu ra đời.