Tháng đầu tiên của thai kỳ
Những tuần đầu tiên của tháng này, về mặt lý thuyết thì bạn vẫn chưa có thai. Quá trình rụng trứng xảy ra gần giữa tháng và hầu hết các bà mẹ không biết mình đang mang thai dù đã ở cuối tháng. Điều đó không có nghĩa là những thay đổi không xảy ra bên trong cơ thể bạn. Cơ thể phụ nữ thường sẽ có những thay đổi theo từng tháng (chu kỳ kinh nguyệt), nhưng lần này, trứng của bạn đã được thụ tinh do đó chu kỳ kinh nguyệt sẽ tạm dừng.
Tháng thứ hai của thai kỳ
Trong tháng này nếu bị trễ kinh thì bạn thử thai bằng que thì que thử thai thường sẽ thể hiện hai vạch – báo rằng bạn đã có thai. Thời điểm này sự mệt mỏi bắt đầu xuất hiện, nguyên nhân là do các hormone tăng nhiều trong cơ thể để chuẩn bị giúp thai nhi phát triển. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng nhu cầu đi tiểu nhiều hơn và thậm chí có thể bị ợ chua hoặc ốm nghén (buồn nôn và nôn)
Tháng thứ ba của thai kỳ
Mặc dù tử cung đang phát triển, nhưng phải đến cuối tháng thứ ba thì nó mới chạm đến đỉnh xương chậu của bạn. Trong ba tháng đầu thai kỳ thì bạn có thể không tăng hoặc tăng một vài cân, đôi khi là có thể giảm vài cân nếu bạn bị ốm nghén hoặc trở nên không thích một số loại thực phẩm. Da của bạn có thể sạm đi hoặc có thể có các vết tàn nhang, nhiều mụn trên mặt.
Tháng thứ tư của thai kỳ
Tháng này bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy giống với con người cũ của mình hơn. Những cơn ốm nghén dường như biến mất, tâm trạng bạn như một mùa xuân mới tới vậy. Cảm xúc cũng dần ổn định hơn vì nỗi lo sảy thai sớm đã qua đi, hoặc do nội tiết tố của bạn ít biến động hơn một chút vì nhau thai đã đảm nhận việc sản xuất một số hormone để duy trì thai kỳ.
Tháng thứ năm của thai kỳ
Lượng máu cần nhiều hơn khiến tim bạn đập nhanh hơn một chút. Thận cũng đang phải làm việc chăm chỉ hơn, có nghĩa là vẫn thường xuyên muốn đi vệ sinh. Tháng này cũng là lúc bạn có nhiều khả năng cảm thấy con mình di chuyển lần đầu tiên. Tử cung của bạn cũng chạm đến rốn. Do đó, bụng bạn trong tháng này bắt đầu to hơn, những người xung quanh nhìn vào có thể biết bạn đang mang thai.
Tháng thứ sáu của thai kỳ
Trong tháng này của thai kỳ, bụng của bạn đã to rõ ràng và sự di chuyển của em bé cũng nhiều hơn. Cơ thể sẽ bị ợ chua nhiều hơn khi bụng bầu to lên và tạo ra ít chỗ trống hơn trong dạ dày. Tháng này bạn có thể cảm nhận được em bé của mình một cách rõ ràng hơn trước, đây là một điều vô cùng thú vị và hạnh phúc. Bụng bầu lớn dần nên bây giờ trang phục của bạn chủ yếu là đồ bầu mà thôi. Tuy nhiên trong tháng này sẽ xuất hiện những cơn đau lưng nhẹ thoáng qua.
Tháng thứ bảy của thai kỳ
Đây đã bước qua chặng đường cuối của thai kỳ rồi và đối với một thai phụ thì thời kỳ này sẽ có những cú sốc nho nhỏ. Quá trình mang thai có vẻ như sẽ kéo dài vô tận và bây giờ bạn nhận ra rằng sắp đến ngày em bé của mình chuẩn bị chào đời. Điều này có thể khiến bạn và những thai phụ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về việc lên kế hoạch sinh con và địa điểm đưa thiên thần bé bỏng chào đời. Thời gian này cơ thể cũng có thể bắt đầu có những cơn co thắt nhẹ.
Tháng thứ tám của thai kỳ
Những người xung quanh vào tháng này cũng có thể cảm thấy sự di chuyển của em bé trong bụng, điều này làm bạn có thói quen hay đặt tay lên bụng nhiều hơn. Sự mệt mỏi có lẽ ngày càng gia tăng và đôi khi bạn cũng có thể bị mất ngủ. Vì vậy hãy tranh thủ ngủ khi nào bạn có thể, ngay cả khi đó không phải là thời gian ngủ bình thường mà bạn hay ngủ. Vú của bạn sẽ có một chút dịch màu đục được tiết ra, điều này hoàn toàn bình thường vì đây là cách cơ thể chuẩn bị sữa cho em bé sau khi được sinh ra. Ngoài ra, tử cung có thể lớn đến mức khiến bạn cảm thấy hơi khó thở.
Tháng thứ chín của thai kỳ
Cơ thể của bạn hiện đang ở chế độ sẵn sàng cho thời điểm chuyển dạ. Cổ tử cung của sẽ bắt đầu thay đổi vào một thời điểm nào đó trong những tuần cuối cùng của tháng này, tùy thuộc vào việc bạn đã từng sinh con trước đó hay chưa. Tử cung sẽ tập co bóp chờ đến ngày trọng đại, bạn có thể nhận thấy sự gia tăng tiết dịch âm đạo, điều này là bình thường miễn là nó không có màu sẫm và không có mùi khó chịu. Sự thoải mái của bạn thực sự phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của em bé. Ví dụ, em bé nằm thấp và hướng đầu xuống dưới thì bạn sẽ có thể thở tốt hơn, nhưng lại đi vệ sinh nhiều lần hơn.
Bắt đầu chuyển dạ
Những thay đổi xảy ra trong cơ thể về cuối thai kỳ sẽ chuyển sang những dấu hiệu của việc chuyển dạ. Chuyển dạ được xác định bằng các cơn co thắt diễn ra đều đặn và làm giãn nở cổ tử cung, kết thúc bằng việc sinh em bé. Bạn có thể nhận thấy đau lưng hoặc các triệu chứng giống như cảm cúm. Hầu hết phụ nữ sẽ tự chuyển dạ trong khoảng từ tuần 38 đến 42. Đôi khi có một tình trạng sức khỏe nào đó xảy ra với mẹ hoặc em bé cần đến sự trợ giúp của y tế để bắt đầu quá trình chuyển dạ.
Thai quá hạn
Nhiều phụ nữ sẽ gặp phải tình huống đã đến ngày dự sinh mà chưa có biểu hiện chuyển dạ. Thông thường, trong một hoặc hai tuần trước ngày dự sinh, những thay đổi trong cơ thể bạn đều cho thấy sự chuyển dạ sắp diễn ra. Đối với một số bà bầu, những điều này xuất hiện rõ ràng, còn đối với những bà bầu khác, chúng có thể không xuất hiện. Ngoài ra, “chảy máu” là khi “nút” nhầy bong ra khỏi cổ tử cung, điều này cho thấy cổ tử cung đang thay đổi, nhưng không chắc chắn là đã đến lúc chuyển dạ.
Lúc này bạn cần sớm liên hệ bác sĩ để có những tư vấn chính xác cho quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi.