1. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là gì?
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có tên quốc tế là Retinopathy of prematurity, gọi tắt là ROP. Đây là một rối loạn mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, thường gặp ở trẻ sinh non (trước 31 tuần) hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân (cân nặng dưới 1,25kg), đặc biệt là những trẻ có tiền sử thở oxy cao áp kéo dài là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể xuất hiện ở cả hai mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây mất thị giác lúc nhỏ, thậm chí là mù vĩnh viễn.
Cho đến nay, ROP đã được nhiều quốc gia đưa vào chương trình tầm soát cho trẻ sơ sinh non tháng. Tại Việt Nam, tất cả trẻ có cân nặng 1800g và tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần đều cần được tầm soát bệnh ROP. Những trường hợp trẻ sinh non không thỏa các tiêu chí trên, nhưng mắc bệnh viêm phổi, thiếu máu, nhiễm trùng, suy hô hấp phải thở oxy sẽ được khám sàng lọc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Ưu điểm của việc tầm soát theo tiêu chuẩn này là không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào có nguy cơ mắc bệnh ROP.
2. Nguyên nhân khiến trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc
Ở tuần thứ 16 của thai kỳ, mắt của trẻ sẽ bắt đầu phát triển các mạch máu võng mạc. Các mạch máu võng mạc phát triển và tiến dần đến cạnh võng mạc, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Quá trình phát triển này sẽ diễn ra nhanh hơn ở 12 tuần cuối thai kỳ. Ở trẻ sinh non chưa đủ tháng, quá trình phát triển này bị gián đoạn, các mạch máu chưa tiếp cận đến cạnh võng mạc, không cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cạnh võng mạc dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý về võng mạc.
Trẻ càng sinh non càng có nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc cao. Các đối tượng cần được kiểm tra và theo dõi bệnh võng mạc ở trẻ sinh non bao gồm:
- Trẻ sinh non dưới 31 tuần
- Trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 1,5kg
- Trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1,5kg – 2kg và là trường hợp đa thai
- Trẻ có cân nặng lúc sinh từ 1,5kg – 2kg nhưng bị các bệnh lý kèm theo như: bị ngạt khi sinh hay phải thở oxy kéo dài.
3. Dấu hiệu của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Bệnh ROP là một căn bệnh tiến triển, bắt đầu với những thay đổi nhỏ ở mạch máu, sau đó tiến triển dần đến những thay đổi lớn hơn ở vùng tiếp nối giữa võng mạc có mạch máu phát triển bình thường và võng mạc chưa có mạch máu (võng mạc vô mạch). Tiến triển của bệnh ROP được chia thành 5 giai đoạn với những đặc điểm tổn thương khác nhau:
- Giai đoạn I: Xuất hiện đường ranh giới mỏng màu trắng, ngăn cách giữa hai khu vực: khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch. Giai đoạn 1, các mạch máu vẫn có thể tiếp tục phát triển bình thường, tuy nhiên bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của trẻ.
- Giai đoạn II: Lúc này, đường ranh giới giữa khu vực võng mạc đã hình thành mạch máu và khu vực võng mạc vô mạch đã nhìn thấy rõ hơn và phát triển khỏi bề mặt võng mạc, trở nên rộng và cao tạo thành một đường gờ màu trắng (nếu ít mạch máu) hoặc hồng (nếu nhiều mạch máu). Các búi mạch máu bất thường rải rác sau gờ, tạo ra hình ảnh giống như ngô rang.
- Giai đoạn III: Đây là giai đoạn tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc. Từ bề mặt của gờ, tổ chức xơ mạch tăng sinh, phát triển lan rộng ra phía sau bề mặt võng mạc; hoặc phát triển ra trước, vuông góc với bình diện võng mạc vào trong dịch kính. Ở giai đoạn 3, tình trạng bệnh ROP còn được chia theo mức độ nhẹ, vừa và nặng; tùy thuộc vào mức độ tăng sinh của tổ chức xơ mạch vào trong dịch kính.
- Giai đoạn IV: Tổ chức xơ phát triển mạnh vào trong buồng dịch kính gây nên tình trạng co kéo vào võng mạc, làm một phần võng mạc bong khỏi thành nhãn cầu. Dựa vào vị trí của võng mạc bong, người ta lại chia giai đoạn này ra làm hai phần: 4A và 4B
- Giai đoạn 4A: chức năng của mắt lúc này chưa bị tổn hại nhiều. Tình trạng bong võng mạc còn chưa lan tới vùng hoàng điểm.
- Giai đoạn 4B: chức năng của mắt giảm rõ rệt. Tình trạng bong võng mạc rộng hơn lan tới cả võng mạc vùng hoàng điểm.
- Giai đoạn V: Bong võng mạc toàn bộ. Võng mạc bị bong cuộn lại có dạng hình phễu. Có ba loại phễu: phễu mở, phễu đóng, phía trước đóng, phía sau mở.
Diễn biến bất thường của mạch máu võng mạc không thể quan sát bằng mắt thường mà phải nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị y tế, cho đến khi bệnh võng mạc trẻ sinh non trở nên nghiêm trọng thì trẻ có thể có các dấu hiệu sau:
- Mắt chuyển động bất thường
- Mắt lác
- Đồng tử màu trắng.
4. Điều trị bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, điều trị càng sớm hiệu quả thu được sẽ càng cao. Phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh võng mạc ở trẻ sinh non hiện nay là điều trị bằng laser quang đông. Kỹ thuật điều trị bằng laser giúp loại bỏ vùng võng mạc không mạch máu ở ngoại vi, giảm tỷ lệ nếp gấp võng mạc và bong võng mạc. Trước khi tiến hành kỹ thuật laser quang đông, trẻ cần được điều trị ổn định các bệnh đang mắc như viêm phổi, suy hô hấp, thiếu máu,…
Sau điều trị laser, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhi sử dụng sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng viêm steroid, có thể tra thêm liệt điều tiết mắt trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, công tác theo dõi và tái khám cũng cần được ba mẹ trẻ quan tâm và chú trọng sau điều trị. Trẻ cần được tái khám 1 tuần, 2 tuần hoặc 1 tháng sau điều trị tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Nếu bệnh ROP chưa thoái triển, có vùng võng mạc chưa laser hay môi trường quang học còn trong, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhi tiến hành thêm điều trị laser bổ sung. Trẻ cần được theo dõi tình trạng mắt lâu dài để kịp thời phát hiện các biến chứng như tật khúc xạ, lác, bong võng mạc,… từ đó có phương pháp hỗ trợ điều trị thích hợp. Như với những trẻ có tật khúc xạ về mắt cần được chỉnh kính sớm, đeo kính và điều trị phòng chống nhược thị, với những trẻ bị bệnh nhưng không cần điều trị cần kiểm tra khúc xạ sớm và chỉnh kính nếu cần thiết.
5. Phòng ngừa bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Với trẻ sinh non có cân nặng 1800g và tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần, ba mẹ cần đưa trẻ đến những bệnh viện uy tín có chuyên khoa về mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời cho những trường hợp mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.
Ngoài ra để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, thai phụ cần lưu ý chăm sóc bản thân thật tốt để tránh sinh non và thăm khám thai sản định kỳ. Một số biện pháp dưới đây sẽ hỗ trợ thai phụ phòng ngừa sinh non hiệu quả:
- Không nên có thai quá sớm <18 tuổi, hoặc quá trễ >35 tuổi
- Tìm nguyên nhân và điều trị nếu thai phụ từng có tiền sử sinh non
- Uống đủ nước để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu tử cung
- Không nhịn tiểu, thai phụ vệ sinh thật kỹ sau khi đi vệ sinh để hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm
- Vệ sinh răng miệng, điều trị các bệnh nha chu
- Hạn chế tư thế nằm ngửa, có thể nằm nghiêng sang trái hoặc nghiêng sang phải
- Cân bằng thời gian biểu giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học, tránh công việc nặng nhọc, công việc nguy hiểm, hoặc môi trường độc hại
- Theo dõi chặt chẽ để phát hiện những cơn gò tử cung bất thường, đi khám và điều trị dự phòng sinh non kịp thời.