1. Nhau bong non là gì?
Nhau thai là bộ phận kết nối quan trọng để tiếp nhận dinh dưỡng của mẹ truyền cho bé, vì thế nhau thai là một trong những bộ phận được hình thành đầu tiên của thai. Bình thường cho đến khi thai nhi ra đời, nhau thai mới bong ra để có thể đảm bảo nuôi dưỡng thai nhi liên tục. Tuy nhiên, nhau bong non xảy ra khi nhau bong trước khi thai sổ ra ngoài.
Nhau bong non là sự bong sớm của nhau thai chưa trưởng thành, là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ. Các vỏ nhau thai tách ra khỏi thành bên trong của tử cung trước khi sinh. Nhau bong non được phân thành độ I, II, III từ nhẹ đến nặng. Mức độ III là tình trạng nặng nhất.
Một khi nhau thai bị tách ra khỏi thành tử cung thì không có phương pháp nào để đưa nhau trở lại. Nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến thai nhi thiếu oxy và chất dinh dưỡng, mẹ cũng có thể bị mất máu nghiêm trọng. Nhau bong non có thể biến chứng thành sảy thai, chảy máu, sinh non, khi gặp tình trạng này mẹ bầu cần cấp cứu ngay lập tức.
2. Triệu chứng của nhau bong non
2.1. Triệu chứng cơ năng
- Đau: đau vùng bụng dưới một cách đột ngột, bắt đầu đau từ tử cung lan ra sau lưng và xuống đùi sau đó lan ra khắp cả bụng. Cơn đau có tính chất liên tục và kéo dài. Khi tử cung cứng lại, thai phụ đau dữ dội, mạch nhanh, huyết áp tụt, trường hợp nặng có thể kèm theo hội chứng tiền sản giật.
- Xuất huyết: xuất huyết âm đạo có thể có hoặc không có do máu đọng lại trong tử cung mà không chảy ra ngoài. Máu chảy ra có màu đỏ sậm, loãng, không đông.
2.2. Triệu chứng toàn thân
- Thai phụ có tình trạng vật vã hoặc người mệt lả, ngất xỉu.
- Sốc xảy ra nhanh chóng mặc dù có thể thấy máu ra âm đạo ít. Độ nặng của tình trạng sốc không đi đôi với số lượng máu mất ra ngoài âm đạo.
- Có thể có hội chứng tiền sản giật đi kèm, lúc đầu huyết áp hơi tăng về sau giảm, mạch chậm, chân tay lạnh, vã mồ hôi, da niêm mạc nhợt nhạt
2.3. Triệu chứng thực thể
- Tử cung co cứng là triệu chứng quan trọng nhất. Tử cung co cứng một cách bất thường, trong những thể nặng, tử cung sẽ cứng như gỗ.
- Khối máu tụ càng lớn làm bề cao tử cung ngày càng tăng lên.
- Sờ nắn các phần của thai nhi qua thành bụng khó khăn do tử cung co cứng.
- Nghe tim thai thay đổi nhanh chóng hoặc không nghe được trong những thể nặng. Những thể nhẹ cũng có thể nghe được nhưng khó khăn, thường diễn biến đến suy thai rất nhanh chóng.
- Khám âm đạo thấy cổ tử cung siết cứng, ối căng phồng, bấm ối thấy nước ối lẫn máu đỏ.
Ngoài ra, tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của nhau bong non (độ I, II, III), các triệu chứng có thể khác nhau:
- Nhau bong non độ I: có hiện tượng chảy máu nhẹ từ âm đạo, các cơn co thắt tử cung nhẹ, sinh hiệu ổn định, và nhịp tim của thai nhi ổn định. Xét nghiệm đông máu bình thường.
- Nhau bong non độ II: có hiện tượng chảy máu vừa phải, co thắt bất thường, huyết áp thấp, suy thai, và đông máu bất thường.
- Nhau bong non độ III: đây là mức độ nặng nhất, xuất hiện tình trạng chảy máu và co thắt mạnh, huyết áp rất thấp, thai chết, và khó đông máu.
3. Nguyên nhân gây ra nhau bong non
Nguyên nhân chính gây ra nhau bong non chưa được xác định rõ. Bất cứ nguyên nhân nào làm vỡ mạch máu bánh nhau bám vào thành tử cung đều có thể dẫn đến nhau bong non. Khi các mạch máu bị đứt, máu chảy tạo thành huyết khối giữa bánh nhau và thành tử cung, gây bóc tách bánh nhau, tạo ra nhiều tổn thương do thiếu máu ở tử cung. Khối máu tụ lớn dần lên thì bánh nhau cũng được tách khỏi thành tử cung nhiều hơn. Trong các trường hợp nặng, tổn thương có thể lan tỏa tới các cơ quan khác như vòi trứng, buồng trứng, thận, gan, tụy,…
Nhiều nghiên cứu cho thấy các sang chấn xảy ra trong quá trình mang thai có thể gây ra nhau bong non, chẳng hạn như:
- Chấn thương trực tiếp ở vùng bụng (do tai nạn giao thông, bị ngã xe, do tai nạn sinh hoạt, do bị đánh hoặc ngã khi lao động)
- Do các thủ thuật làm trên thai trong tử cung (chọc ối, lấy máu cuống rốn, thủ thuật ngoại xoay thai,…) gây chảy máu tạo thành khối máu tụ sau nhau gây ra nhau bong non.
- Tiền sản giật.
Ngoài ra, thai phụ có nhiều yếu tố sau có nguy cơ cao hơn bị nhau bong non như:
- Tăng huyết áp: nhất là tăng huyết áp có kèm đạm niệu, do nhiễm độc thai nghén.
- Yếu tố tuổi tác: Phụ nữ mang thai khi lớn tuổi (trên 35 tuổi) hoặc nhỏ tuổi (dưới 20 tuổi) có tỉ lệ nhau bong non cao hơn đối tượng ở độ tuổi còn lại.
- Tiền sử: Phụ nữ đã từng bị nhau bong non ở lần mang thai trước thì nguy cơ cao tiếp tục tái phát ở lần mang thai sau.
- Lạm dụng chất gây nghiện: Phụ nữ mang thai hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích khi mang thai tác động rất xấu đến thai nhi, trong đó làm tăng nguy cơ nhau bong non.
- Rối loạn đông máu: Rối loạn đông máu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đẩy nhau tách xa ra khỏi thành tử cung.
- Đa thai: Mẹ mang đa thai có nguy cơ nhau bong non cao hơn bình thường.
- Phụ nữ mang thai có chế độ ăn uống kém, làm việc nặng nhọc, nhiễm độc thai nghén, điều kiện vệ sinh và chăm sóc thai kém.
4. Nhau bong non nguy hiểm như thế nào đối với thai kỳ?
Tình trạng nhau bong non diễn ra rất nhanh chóng, yêu cầu phải can thiệp y tế sớm, nếu không mẹ và bé sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:
- Sốc mất máu
Đây thường là biến chứng xảy ra đầu tiên ở thai phụ khi máu không được đưa đến nuôi dưỡng thai qua nhau thai mà bị mất đi. Sốc mất máu xảy ra rất nhanh và rất nguy hiểm, máu có thể ứ lại tử cung nhiều hơn máu chảy ra ngoài âm đạo.
- Rối loạn đông máu
Hiện tượng nhau bong non gây thiếu sinh sợi huyết nên sau khi sổ nhau, ở thai phụ vẫn tiếp tục bị chảy máu ra ngoài âm đạo là máu loãng không đông. Nếu nhau bong non càng kéo dài, biến chứng rối loạn đông máu càng nặng, càng gây chảy máu nhiều và nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ.
- Vô niệu
Thai phụ bị nhau bong non từ cấp độ nhẹ đã có thể xuất hiện tình trạng tiểu ít, thậm chí là vô niệu hoàn toàn đi kèm với ure huyết tăng, đau vùng hông lưng. Vô niệu xảy ra chủ yếu do sốc mất máu dẫn đến tụt huyết áp. Khi xảy ra hiện tượng vô niệu, đây là tình trạng tiên lượng nặng, có thể gây tử vong cho mẹ.
Ngoài ra, nhau bong non cũng gây biến chứng nguy hiểm cho mẹ như: suy tuyến thượng thận, suy gan thận cấp, tăng huyết áp,…
Nhau bong non gây hậu quả nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời. Để giảm thiểu tình trạng này và các nguy cơ tiềm tàng khác, hãy khám thai càng sớm càng tốt ngay khi biết mình có thai và khám sức khỏe định kỳ theo lịch của bác sĩ. Bên cạnh đó, sản phụ nên để ý đến những thay đổi bất thường khi mang thai, dù chỉ là nhẹ nhất như ra máu âm đạo ít thì cũng cần được đến các cơ sở sản phụ khoa hay bệnh viện để kiểm tra.