1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường trong thai kỳ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể khi mang thai. Tình trạng này thường được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ và thường tự khỏi sau khi sinh khoảng 6 tuần.
Vai trò của hormone insulin là giúp glucose trong máu di chuyển đến các tế bào để tạo ra năng lượng cần thiết duy trì sự sống. Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tự động đề kháng với insulin ở mức độ nhẹ để nồng độ glucose trong máu cao hơn một chút và truyền cho thai nhi. Trong nhiều trường hợp, quá trình này lại diễn ra quá mức khiến cơ thể không còn đáp ứng được với insulin hoặc không tạo ra đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng lên và gây nên bệnh tiểu đường thai kỳ.
2. Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến mẹ và bé
2.1. Ảnh hưởng đối với mẹ
- Tăng cân nhiều, trên 20kg, đa phần thai to, đa ối, em bé khi sinh ra có cân nặng trên 4kg.
- Ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều, trong nước tiểu có đường, dễ bị nhiễm nấm Candida và tái phát nhiều lần.
- Nhiễm trùng, viêm bể thận, viêm thận hay băng huyết sau sinh.
- Sảy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ lý do.
2.2. Ảnh hưởng đối với thai nhi
- Thai nhi có thể bị dạng, dị tật bẩm sinh về cơ, thần kinh,…
- Do kích thước thai to nên sinh ra dễ bị gãy xương, hay gặp sang chấn khi sinh thường và khi sinh mổ.
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ tử vong của thai nhi và em bé sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời gấp 2 – 5 lần so với bình thường.
- Em bé có thể bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi và có nguy cơ bị đái tháo đường do di truyền.
3. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho thai phụ bị tiểu đường thai kỳ
Các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần tuân thủ theo nguyên tắc dinh dưỡng dưới đây:
- Hạn chế tối đa thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột vì sẽ dẫn đến sự phá vỡ cân bằng đường huyết do insulin trong cơ thể không thể chuyển hóa hết lượng đường nạp từ ngoài vào.
- Bổ sung đạm thông qua các thực phẩm như ức gà, cá, trứng hoặc lòng trắng trứng
- Giới hạn tổng lượng chất béo dưới 40% lượng calo hàng ngày. Chất béo bão hòa nên ít hơn 10% so với tất cả chất béo.
- Đảm bảo cơ thể phải được cung cấp 20-35 gram chất xơ hàng ngày. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ là: bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, mì ống, bột yến mạch, rau, trái cây…
- Chia khẩu phần ăn mỗi bữa, tránh ăn quá nhiều.
- Ăn đúng giờ, không bỏ bữa.
4. Thực phẩm mà mẹ bầu bị tiểu đường NÊN ăn
4.1. Thực phẩm chứa nhiều protein
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên cố gắng ăn nhiều thực phẩm nhiều nạc, giàu protein. Ăn protein cùng với carbohydrate hoặc chọn carbohydrate chứa cả protein. Điều này sẽ giúp cân bằng lượng đường trong máu. Mẹ bầu có thể lựa chọn:
- Các loại đậu
- Cá
- Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt cừu
- Thịt gia cầm (gà, vịt,..)
- Các loại quả hạch (hạnh nhân, óc chó, hạt điều, mắc ca)
- Các loại sữa và sản phẩm của sữa không chứa đường
4.2. Ăn thực phẩm có chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa cũng là một phần của bất kỳ chế độ ăn uống lành mạnh nào. Ví dụ về các loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa gồm:
- Dầu oliu, dầu đậu phộng
- Trái bơ
- Cá hồi
- Cá mòi
- Hạt chia
- Hầu hết các loại hạt
5. Các loại thực phẩm mẹ bầu bị tiểu đường cần TRÁNH ăn
5.1. Hạn chế các loại đồ ngọt, nhiều đường
Để hạn chế tác động của bệnh tiểu đường thai kỳ, bà bầu nên tránh những thức ăn và đồ uống có đường. Lượng đường trong máu sẽ tăng lên khi ăn thực phẩm có đường, đặc biệt là những loại được tinh chế và chế biến. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên tránh hoặc hạn chế các loại đồ ăn chứa đường càng nhiều càng tốt. Một số thực phẩm chứa nhiều đường như:
- Bánh quy
- Bánh pudding
- Kẹo ngọt
- Nước ngọt, nước có gas
- Nước ép trái cây đóng hộp
5.2. Hạn chế đồ ăn chứa nhiều tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột có nhiều carbohydrate và có tác động lớn đến lượng đường trong máu. Khi mắc tiểu đường thai kỳ, bà bầu tốt nhất hạn chế ăn các loại đồ ăn sau: khoai tây, bánh mì trắng, gạo trắng, mì…
5.3. Các loại đường và carbohydrate ẩn
Một số loại thực phẩm cho dù không phải là nguồn cung cấp đường hoặc carbohydrate chủ yếu nhưng chúng vẫn có thể chứa một tỷ lệ nhất định. Ví dụ như đồ ăn nhanh, rượu, sốt cà chua…
5.4. Không nên lạm dụng nước dừa, nước mía
Có rất nhiều mẹ bầu sau khi đi siêu âm được chẩn đoán nước ối đục liền về nhà mua rất nhiều nước dừa, nước mía uống vô tội vạ với ý định sẽ làm trong ối mà không biết điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Việc lạm dụng nước dừa và nước mía như vậy làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến tiểu đường thai kỳ.
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Điều chỉnh trong việc ăn uống cùng với một chế độ tập luyện phù hợp sẽ giúp giảm những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.