Thứ Ba, Tháng Mười Hai 17, 2024
Trang chủSức khoẻ khi mang thaiThay đổi thể trạngNhững thay đổi về cơ thể bạn có thể gặp khi mang...

Những thay đổi về cơ thể bạn có thể gặp khi mang thai

Mang thai sẽ khiến cơ thể bạn có nhiều thay đổi. Chúng có thể bao gồm những thay đổi phổ biến mà bà bầu nào cũng sẽ gặp phải và có thể biết trước, chẳng hạn như bụng to dần và tăng cân, đến những thay đổi ít gặp hơn như thay đổi thị lực. Đọc bài dưới đây để tìm hiểu thêm về những thay đổi cơ thể mà bạn có thể gặp khi mang thai nhé.

Thay đổi nội tiết khi mang thai

Khi bạn mang thai sẽ có sự gia tăng đột ngột và hoạt động mạnh mẽ của hormone estrogen và progesterone. Bạn cũng sẽ trải qua những thay đổi về số lượng và chức năng của một số hormone khác. 

Thay đổi hormone estrogen

Theo thống kê thì một người phụ nữ sẽ sản xuất nhiều estrogen trong một lần mang thai nhiều hơn trong suốt cuộc đời của họ nếu họ không mang thai. Sự gia tăng estrogen trong thời kỳ mang thai cho phép tử cung và nhau thai hình thành nhiều mạch máu hơn, giúp vận chuyển nhiều chất dinh dưỡng nuôi em bé. 

Estrogen sẽ tăng đều đặn trong thời kỳ mang thai và đạt đến đỉnh điểm trong tam cá nguyệt thứ ba. Sự gia tăng nhanh chóng nồng độ estrogen trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể gây ra một số cảm giác buồn nôn khi mang thai. Trong tam cá nguyệt thứ hai, nó đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tuyến sữa giúp làm bầu ngực người mẹ lớn hơn.

Thay đổi hormone progesterone

Hormone progesterone cũng sẽ tăng nhiều trong thời kỳ mang thai. Những thay đổi trong progesterone gây nên sự “lỏng lẻo” của các dây chằng và khớp trên toàn cơ thể. Ngoài ra, lượng progesterone cao khiến các cấu trúc bên trong tăng kích thước, chẳng hạn như niệu quản. Niệu quản kết nối thận với bàng quang của mẹ. Progesterone cũng rất quan trọng để thay đổi tử cung của người mẹ: từ kích thước nhỏ – ở trạng thái không mang thai – thành tử cung có thể chứa em bé.

Tuy rất quan trọng trong quá trình mang thai nhưng sự thay đổi hormone cũng mang tới những trở ngại cho người mẹ, đặc biệt là trong việc tập thể dục và vận động. Vì các dây chằng “ lỏng lẻo” hơn, phụ nữ mang thai có thể có nguy cơ bị bong gân và căng mắt cá chân hoặc đầu gối. 

Thay đổi thị lực

Một số phụ nữ bị thay đổi thị lực khi mang thai, đặc trưng là độ cận thị tăng lên. Các nhà nghiên cứu không biết các cơ chế sinh học chính xác về sự thay đổi trong thị lực này. Tuy nhiên phần lớn những phụ nữ sẽ trở lại thị lực trước khi mang thai sau khi họ sinh con.

Ngoài ra khi mang thai những mẹ bầu có thể gặp một số hiện tượng khác như mờ mắt và khó chịu khi đeo kính áp tròng. Với những mẹ bầu bị tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ thì nên cẩn thận hơn vì có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề về mắt hiếm gặp, chẳng hạn như bong võng mạc hoặc mất thị lực.

Khi mang thai phụ nữ có thể  gặp phải một số vấn đề về thị lực

Thay đổi vị giác và khứu giác

Hầu hết phụ nữ trải qua những thay đổi về vị giác khi mang thai. Họ thường thích thức ăn mặn hơn hay thức ăn ngọt hơn hoặc chua hơn bình thường. Chứng khó tiêu và vấn đề về vị giác thường gặp nhất trong ba tháng đầu của thai kỳ. Bên cạnh đó khứu giác của phụ nữ mang thai cũng có những thay đổi, trở nên nên nhạy cảm với tất cả mùi vị hoặc khó chịu với một mùi mà trước đó họ rất thích. 

Những thay đổi ở ngực và cổ tử cung

Sự thay đổi nội tiết tố, bắt đầu trong tam cá nguyệt đầu tiên, sẽ dẫn đến nhiều thay đổi sinh lý trên toàn cơ thể. Những thay đổi này giúp cơ thể của người mẹ có những chuẩn bị cần thiết để mang thai, sinh con và cho con bú.

Thay đổi vùng ngực

Ngực của phụ nữ thường trải qua một loạt các thay đổi đáng kể trong thời kỳ mang thai để cơ thể chuẩn bị cung cấp sữa cho em bé. Ngực lớn dần lên, điều này khiến họ cảm thấy đau hoặc trở nên nhạy cảm. Họ cũng nhận thấy các tĩnh mạch sẫm màu hơn và núm vú nhô ra nhiều hơn so với trước khi mang thai. Một số phụ nữ có thể bị rạn da trên ngực nếu ngực của họ phát triển nhanh. Ngoài ra, các hormone thai kỳ ảnh hưởng đến sắc tố da thường làm quầng vú bị thâm đen.

Ngực của người mẹ cũng bắt đầu tiết ra những chất dịch hay còn được gọi là sữa non, các ống dẫn sữa trong bầu ngực mở rộng để chuẩn bị sản xuất và dự trữ sữa. Một số phụ nữ có thể nhận thấy các cục u nhỏ trong mô vú, nguyên nhân có thể do ống dẫn sữa bị tắc. Nếu các cục u không biến mất sau một vài ngày xoa bóp và làm ấm vú bằng nước hoặc khăn, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra và tư vấn.

Ngực của phụ nữ thường trải qua một loạt các thay đổi đáng kể trong thời kỳ mang thai

Cổ tử cung sẽ trải qua những biến đổi rất nhiều cả quá trình mang thai và chuyển dạ. Thời kỳ đầu mô cổ tử cung dày lên,  trở nên chắc và dài ra. Nó sản xuất một chất nhầy dày tạo thành một “nút” để bịt kín tử cung. “Nút” này thường bị tống ra ngoài vào cuối thai kỳ hoặc trong khi sinh nở. Trước khi sinh, cổ tử cung giãn ra đáng kể, mềm và mỏng hơn, cho phép em bé đi qua ống sinh. 

Trên đây là một số thay đổi điển hình mà cơ thể bạn có thể gặp khi mang thai. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm những thay đổi về cơ thể để có thể chuẩn bị tốt tâm lý và phương pháp hỗ trợ giúp cơ thể mình thoải mái hơn. Ngoài ra bạn nên tâm sự với chồng của mình để chồng có thể thông cảm và hỗ trợ cho mình trong thời gian mang thai, sinh nở, nhằm đạt được kết quả “Mẹ tròn, con vuông” như mong muốn.

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments