1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị viêm âm đạo
Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa phổ biến làm ảnh hưởng sức khỏe của nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là với phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Khi bắt đầu mang thai, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi, dễ bị viêm nhiễm hơn phụ nữ bình thường. Những nguyên nhân chính gây viêm phụ khoa ở phụ nữ mang thai là:
1.1 Viêm âm đạo do nấm Candida
Nấm âm đạo chủ yếu do nấm Candida Albicans gây nên. Loại nấm này ký sinh ở một số vị trí bên trong âm đạo hoặc bên trong da. Candida vốn là hệ vi sinh vật bình thường trong miệng, ruột, âm đạo do môi trường axit giữ không cho nấm bùng phát.
Tuy nhiên, trong thời gian thai nghén, sự tăng giảm nội tiết tố đột ngột trong cơ thể thai phụ làm thay đổi độ pH vùng âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển và gây bệnh. Người bệnh thường có biểu hiện ngứa, đau, nóng rát, kích ứng âm hộ và thỉnh thoảng bị khó tiểu.
Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nhiễm nấm Candida rất dễ dàng nhưng bệnh dễ tái phát nhiều lần. Do đó, các bà bầu được khuyên nên điều trị bệnh dứt điểm trước khi sinh con để tránh lây nhiễm cho bé. Trường hợp mẹ vẫn mắc bệnh thì khi sinh con qua âm đạo, nấm Candida có thể dính vào niêm mạc miệng của trẻ, gây đen miệng hoặc viêm da do nấm. Nguy hiểm hơn, bé bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc sinh non, sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi,… do nấm Candida.
1.2 Viêm âm đạo do lậu cầu khuẩn
Lậu cầu khuẩn là nguyên nhân gây viêm phụ khoa có mức độ nguy hiểm khá cao, nhất là đối với phụ nữ mang thai. Nếu thời gian ủ bệnh lâu, người mẹ sẽ có các triệu chứng như tiểu gắt, nước tiểu đục, kèm theo mủ, ra nhiều huyết trắng nặng mùi và bị đau vùng bụng dưới. Viêm âm đạo khi mang thai do lậu cầu khuẩn nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tác động xấu tới thai nhi: tăng nguy cơ sinh non, gây viêm màng ối, vỡ ối, suy dinh dưỡng bào thai nên trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân,…
Bên cạnh đó, khuẩn lậu còn dễ lây nhiễm cho bé trong quá trình sinh thường. Vi khuẩn lậu từ dịch tiết ở đường sinh dục có thể xâm nhập vào mắt bé, gây sung huyết, có nhiều mủ vàng, làm giảm thị lực và thậm chí dẫn tới mù lòa.
1.3 Viêm âm đạo do vi khuẩn Bacterial Vaginosis
Bệnh viêm phụ khoa do vi khuẩn Bacterial Vaginosis xảy ra khi các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển quá mức trong thai kỳ do sự thay đổi của hormone. Người nhiễm bệnh sẽ có những triệu chứng như: tiết dịch âm đạo chuyển sang màu xám, có mùi hôi tanh.
Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm như vỡ màng ối sớm, nhiễm trùng nước ối, tăng nguy cơ sảy thai khi thai nhi lớn, tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra bị nhẹ cân, người mẹ bị viêm màng tử cung sau sinh,…
2. Thai phụ cần làm gì khi bị viêm âm đạo trong thai kỳ
Khi mẹ bầu nghi ngờ mình bị viêm âm đạo, việc đầu tiên phải làm là nên đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Sau đó bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và điều trị bằng thuốc không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, mẹ bầu nên áp dụng những biện pháp hạn chế viêm âm đạo khi mang thai sau đây:
- Không nên cố gắng chịu đựng sự ngứa vùng kín vì nghĩ rằng dùng thuốc chữa bệnh sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
- Hạn chế sử dụng băng vệ sinh hằng ngày liên tục.
- Mặc đồ lót rộng rãi, thoáng khí (ưu tiên chất liệu cotton), tránh mặc quần lót và quần ôm quá chật, đặc biệt là vải tổng hợp.
- Hạn chế số lần quan hệ tình dục, thực hiện tốt vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Vệ sinh đúng cách vùng kín hàng ngày
- Tập thể dục nhẹ nhàng, duy trì lối sống khoa học, lành mạnh.
- Ăn các sản phẩm sữa chua có nhiều lợi khuẩn.
3. Cách điều trị viêm âm đạo cho thai phụ
Việc chữa trị tình trạng nấm âm đạo khi mang thai không sẽ không hề khó khăn nếu như bệnh được phát hiện sớm. Do vậy, bà bầu nên khám thai định kỳ, nếu có dấu hiệu bị viêm âm đạo sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Thông thường, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc bôi tại chỗ hoặc viên đặt phụ khoa để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Các thuốc nhóm imidazol tác dụng tại chỗ là lựa chọn hàng đầu cho phụ nữ mang thai. Khoảng thời gian điều trị là 7- 14 ngày. Bác sĩ sẽ chỉ định, hướng dẫn bà bầu sử dụng Miconazol và Clotrimazol cho phù hợp:
- Miconazol dạng đặt âm đạo không gây hại cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Miconazol viên đặt âm đạo 100mg hoặc kem bôi âm đạo 2% thích hợp sử dụng cho một đợt điều trị 7 ngày ở phụ nữ mang thai.
- Clotrimazole dạng đặt âm đạo không gây hại cho thai nhi ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Kem bôi âm đạo Clotrimazol 2% thường được chỉ định dùng trong 7 ngày cho phụ nữ mang thai. Các trường hợp viêm âm đạo tái phát có thể được điều trị trong 14 ngày.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc ở thời điểm khi đang mang thai khá nhạy cảm nên thai phụ không được tự ý dùng thuốc mà cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ.