Thứ Ba, Tháng Mười Hai 17, 2024
Trang chủXét nghiệm và tiêm phòngCác xét nghiệm cần thiếtGBS là gì và tại sao phụ nữ mang thai cần làm...

GBS là gì và tại sao phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm GBS?

GBS rất hiếm gặp ở phụ nữ mang thai nhưng nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi, vì vậy xét nghiệm GBS trở thành xét nghiệm thường quy đối với tất cả phụ nữ mang thai.

1. GBS là gì? Nguyên nhân lây nhiễm?

GBS là gì?

GBS là tên viết tắt của liên cầu khuẩn nhóm B, đây là một loại vi khuẩn sống trong âm đạo và trực tràng của phụ nữ. Trên thực tế, nhiều phụ nữ mang GBS nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. GBS có thể được truyền từ mẹ sang bé trong quá trình sinh nở. Hầu hết các em bé bị lây truyền GBS từ mẹ không gặp bất cứ vấn đề gì. Nhưng một số ít bé có thể trở nên ốm yếu, mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí tử vong ngay trong giai đoạn sơ sinh.

Nguyên nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

GBS không phải là bệnh lây qua đường tình dục mà là sinh vật hội sinh sống trong cơ thể. Liên cầu khuẩn nhóm B có nguy hiểm không? Trong hầu hết trường hợp, GBS không gây hại cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, GBS gây viêm nhiễm cổ tử cung hoặc viêm đường niệu ở các sản phụ. Đặc biệt, vì liên cầu khuẩn nhóm B tồn tại trong âm đạo nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ và gây ra một số bệnh nguy hiểm.

2. Triệu chứng nhiễm liên cầu nhóm B trong thai kỳ

Mẹ bầu có thể bị sốt cao nếu bị nhiễm GBS trong thai kỳ

Một số dấu hiệu cảnh báo thai phụ bị nhiễm liên cầu nhóm B trong thai kỳ gồm:

  • Chuyển dạ sớm (trước 37 tuần thai).
  • Ối vỡ sớm trước 37 tuần mà không có dấu hiệu chuyển dạ.
  • Ối vỡ sớm 18 – 24 tiếng trước khi chuyển dạ.
  • Sốt cao trên 37,8°C trong quá trình chuyển dạ.
  • Đã từng nhiễm GBS trong lần mang thai trước đó.
  • Phát hiện GBS trong nước tiểu trong thời gian mang thai.
  • Tiền sử sinh trước đây trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.

3. Ảnh hưởng của liên cầu khuẩn nhóm B đối với trẻ sơ sinh

Liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây hại cho thai nhi như dẫn tới chuyển dạ sinh non, vỡ màng ối non, viêm màng ối. Với thai phụ, GBS cũng có thể gây nhiễm trùng tiểu, viêm đài bể thận, viêm xương tủy, viêm nội mạc tử cung và viêm vú sau sinh.

Thai phụ bị nhiễm GBS có thể chuyển dạ sớm dẫn đến sinh non

Ở trẻ sơ sinh, liên cầu khuẩn nhóm B được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng. Nhóm vi khuẩn này có thể gây ra 2 bệnh cảnh lâm sàng ở trẻ sơ sinh gồm:

  • Nhiễm trùng sơ sinh sớm: Xảy ra trong 7 ngày đầu sau sinh, thường trong vòng 24 – 48 giờ sau sinh. Triệu chứng khởi phát sớm ở trẻ gồm: Ngưng thở, lơ mơ, hạ huyết áp, suy hô hấp và có tỷ lệ tử vong cao do viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
  • Nhiễm trùng sơ sinh muộn: Xảy ra ở những trẻ từ 7 – 90 ngày tuổi. Vi khuẩn liên cầu nhóm B có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ hoặc tiếp xúc sau này, do sữa mẹ bị nhiễm GBS hoặc mẹ bị viêm tuyến vú do GBS. Thể bệnh thường gặp nhất khi nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B là viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị viêm màng não có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như: Điếc, chậm phát triển trí tuệ, vận động và tâm thần,..

4. Khi nào cần xét nghiệm GBS cho bà bầu?

Xét nghiệm này thường được thực hiện giữa tuần 35 và tuần thứ 37 của thai kỳ (thử nghiệm trước 35 tuần không chính xác trong việc dự đoán ai sẽ mang GBS vào thời điểm chuyển dạ).

Mẫu xét nghiệm được lấy từ âm đạo và trực tràng của phụ nữ mang thai. Sau đó mẫu xét nghiệm được đưa đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy để tìm ra sự có mặt của GBS. Kết quả thường có sau 1 đến 2 ngày.

5. Xét nghiệm GBS được thực hiện như thế nào?

Quy trình lấy mẫu xét nghiệm GBS

Bác sĩ của bạn sẽ xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B trong khi mang thai bằng cách lấy một miếng gạc ở âm đạo và một miếng gạc khác ở trực tràng của bạn. Các miếng gạc sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

GBS cũng có thể xuất hiện trong mẫu nước tiểu thu được trong quá trình kiểm tra tiền sản. Nếu có, mẹ bầu sẽ được điều trị ngay lập tức bằng thuốc kháng sinh.

6. Kết quả kiểm tra dương tính đối với Liên cầu nhóm B thì làm thế nào?

Nếu kết quả kiểm tra dịch âm đạo cho thấy dương tính với GBS, điều này hiểu đơn giản là cơ thể bạn có tồn tại liên cầu khuẩn nhóm B nhưng không mắc phải các bệnh do vi khuẩn này gây ra.

Không phải tất cả trẻ sinh ra từ một bà mẹ có kết quả dương tính với GBS đều sẽ bị nhiễm. Khoảng 1 trong 200 trẻ sơ sinh mang mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B và không được điều trị bằng kháng sinh sẽ phát triển các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B. 

7. Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B từ mẹ sang con

Để tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B, nên thực hiện xét nghiệm GBS ở bà bầu. Xét nghiệm được thực hiện khi thai nhi được 35 – 37 tuần tuổi, thực hiện bằng cách lấy dịch âm đạo và hậu môn đưa đi xét nghiệm.

Sau khi được xác định nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, thai phụ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây lây nhiễm cho thai nhi. Về biện pháp phòng tránh, bác sĩ thường chỉ định truyền kháng sinh đường tĩnh mạch từ khi bắt đầu chuyển dạ hoặc từ khi vỡ ối cho tới khi bé chào đời để giảm nguy cơ vi khuẩn lây truyền từ mẹ sang con. Lý tưởng nhất là truyền kháng sinh ít nhất 4 tiếng trước khi trẻ chào đời.

Hầu hết quá trình nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B diễn ra trong tuần đầu tiên trẻ chào đời. Nếu trẻ có các triệu chứng như kém ăn, buồn ngủ, hay càu nhàu, thở nhanh và thân nhiệt tăng thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

 

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -

Most Popular

Recent Comments